Thống kê của trung tâm cho biết trong năm vừa qua số tiền trung tâm thu được từ hoạt động của mình đã đạt gần 70 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2014. Trung tâm đã chi trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bao gồm cả nhạc Việt Nam và quốc tế) là hơn 62 tỉ đồng.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương (Giám đốc Trung tâm VCPMC), hiện tại các văn bản hướng dẫn pháp luật liên quan đến bản quyền tác giả âm nhạc vẫn còn nhiều kẽ hở. Một trong những kẽ hở đó là trong hồ sơ cấp phép biểu diễn chưa có yêu cầu phải có văn bản của tác giả đồng ý đơn vị, cá nhân được sử dụng tác phẩm. Chính vì thế khi được cấp phép rồi thì việc thương lượng của trung tâm để đòi tác quyền cho các tác giả rất khó khăn. “Công việc này rất nhọc nhằn và dường như bức xúc đến mức độ tủi nhục, chúng tôi không biết làm gì cả, mời người ta đến thương lượng thì họ coi thường mình” - ông Phương tâm sự.
Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, tuy nhiên ông Phương cũng tự hào thông báo hiện tại việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Việt Nam đã vượt qua ba nước là Thái Lan, Indonesia và Philippines. Song theo ông Phương, với mức độ dân số và bình quân thu nhập như nước ta hiện tại thì số tiền thu được từ việc bảo vệ tác quyền âm nhạc ở nước ta vẫn chưa tương xứng. “Sự nghiệp bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn còn chậm quá. Trung tâm VCPMC phải thu được tiền bản quyền gấp 10 lần hiện nay, tức là khoảng 30 triệu USD/năm mới đảm bảo yên lòng, hết trách nhiệm với các nhạc sĩ được” - ông Phương cho hay.