Ngày 30-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Cần có giải pháp đặc biệt dập dịch khu vực TP.HCM
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đều thống nhất cao và đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trong đó đồng tình với việc phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh tại những nơi an toàn, đủ điều kiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dịch bệnh sẽ còn căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vaccine hoặc có thuốc đặc trị. Vì vậy, các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch.
Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực TP.HCM, nên ông Vũ Đức Đam cho rằng cần có những biện pháp đặc biệt.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình để đối phó dịch bệnh và đã đạt được một số thành tựu bước đầu, có nhiều tín hiệu tích cực, trong đó đã đẩy lùi được dịch bệnh ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh… Công tác phòng chống dịch bệnh đang đi đúng hướng.
Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương ở miền Nam.
Theo Thủ tướng, hạn chế, bất cập lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức thực hiện. Các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn nhưng việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ.
Thậm chí vẫn còn có nơi, có lúc có biểu hiện rất lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch đã đi qua; mất bình tĩnh, lo sợ, hoảng hốt, lúng túng, bị động, mất kiên trì khi dịch bùng phát.
Một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết về nguy cơ lây lan, phát triển của dịch, cho nên ý thức chấp hành các quy định, hướng dẫn chưa nghiêm.
Đặc biệt, một số địa phương thực hiện các Chỉ thị 15 và 16 còn chưa nghiêm ngặt, có lúc chập chờn, người dân vẫn đi lại, tụ tập, giao lưu, không đeo khẩu trang, trong khi chính quyền lại chủ quan vì đã áp dụng các chỉ thị. Việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật, xử lý vi phạm không nghiêm.
Phải xác định cuộc chiến đấu còn trường kỳ, lâu dài và vất vả
Thủ tướng yêu cầu trong lúc này cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội. Cùng với đó, bám sát thực tiễn, tận dụng tối đa khả năng có thể để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, những nơi an toàn có điều kiện thì mở rộng sản xuất. “Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài và vất vả, kể cả khi có vaccine cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp, bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, linh hoạt, cương quyết, quyết liệt nhưng rất mềm dẻo, phù hợp với từng nơi, từng lúc…
Đối với việc thực hiện cách ly, giãn cách, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: Hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.
Riêng đối với TP.HCM và các tỉnh đang bùng phát dịch, Thủ tướng yêu cầu phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống.
Ngoài các biện pháp chung, TP.HCM và các các địa phương đang bùng phát dịch phải thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.
Các địa phương này phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn, cao hơn.
Về vấn đề tiêm vaccine, Thủ tướng yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ COVID-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành với nhiều ý kiến tại cuộc họp là phải ưu tiên vaccine cho TP.HCM.
Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...
Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.