Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng Thành phố HCM đến năm 2030

Theo đó, mục tiêu nhằm phát triển TPHCM trở thành cửa ngõ giao thương lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế xã hội của khu vực Châu Á và khu vực.

Phạm vi lập quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh xung quanh gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang. Quy mô diện tích khoảng 30.404 km2. 

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch yêu cầu cần phân tích đánh giá tiềm năng tài nguyên tự nhiên và điều kiện xã hội của TPHCM, hiện trạng phát triển vùng về kinh tế, xã hội, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất đai, không gian vùng, hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường; đồng thời, phân tích đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động ngập lũ và các xu hướng, kịch bản biến đổi khí hậu tác động đến định hướng không gian vùng. 

Ngoài ra, cần đánh giá việc thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh đã được phê duyệt năm 2008, các quy hoạch ngành liên quan; đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển vùng và công tác thực hiện quy hoạch.

Nhiệm vụ quy hoạch cũng yêu cầu cần đề xuất điều chỉnh phân bố các vùng chức năng; điều chỉnh định hướng phân bố hệ thống đô thị, trong đó TPHCM là đô thị hạt nhân động lực phát triển của toàn vùng, các đô thị vệ tinh trong vùng trung tâm, hệ thống các vùng đô thị đối trọng, hệ thống đô thị theo các tuyến hành lang kinh tế đô thị hướng tâm, hệ thống các đô thị chuyên ngành. Xác định tính chất quy mô, chức năng các đô thị và phân loại đô thị. Định hướng phát triển không gian nông thôn phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa truyền thống, điều kiện sản xuất và theo mô hình xây dựng nông thôn mới. 

Điều chỉnh phân bố các vùng công nghiệp công nghệ cao, các vùng công nghiệp chuyên sâu, các vùng công nghiệp tập trung đa ngành gắn với các vùng đô thị trung tâm và các vùng đô thị đối trọng, các trục hành lang kinh tế đô thị và các đầu mối hạ tầng kỹ thuật của vùng, khai thác hiệu quả các lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực; điều chỉnh định hướng phân bố các vùng du lịch sinh thái rừng cảnh quan, đặc biệt rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng Nam Cát Tiên, vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, vùng biển đảo.

Đề xuất các trung tâm du lịch tầm quốc gia, quốc tế về văn hóa lịch sử, giải trí. Đề xuất các tuyến du lịch quốc tế, quốc gia và nội vùng.
Ngoài ra, quy hoạch điều chỉnh phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp chuyên canh, vùng phát triển vườn cây ăn trái tập trung, các vùng rừng trồng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước, rừng ngập mặn, hình thành các vùng đánh bắt nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. 
Bảo tồn các vùng cảnh quan thiên nhiên, vùng sinh thái đặc trưng; điều chỉnh định hướng phân bố hệ thống hạ tầng xã hội và dịch vụ, bao gồm các trung tâm chuyên ngành cấp vùng, tiểu vùng, quốc gia và quốc tế…

ĐL

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều