Ngày 23-10, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 16 diễn ra ở TP Kazan (Nga), lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua tuyên bố chung Kazan có tựa đề "Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”, theo hãng thông tấn TASS.
Tuyên bố chung Kazan dài 43 trang, gồm 134 điểm, đề cập đường hướng phát triển của nhóm, lập trường về nhiều vấn đề toàn cầu, lệnh trừng phạt, giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, bao gồm ở Ukraine và Trung Đông.
Đề cập loạt vấn đề nóng
Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo các nước BRICS đã phác thảo các phương thức danh mục quốc gia đối tác, đồng thời hoan nghênh sự quan tâm đáng kể của các quốc gia Nam Bán cầu đối với BRICS. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng cam kết "thúc đẩy hơn nữa sự phát triển thể chế BRICS".
Về kinh tế, các lãnh đạo của các quốc gia thành viên BRICS đã nhất trí nới lỏng thương mại giữa các nước. “Chúng tôi ủng hộ các sáng kiến tăng cường hợp tác thuế và xây dựng hệ thống thuế quốc tế tiến bộ, ổn định và hiệu quả hơn, thúc đẩy minh bạch thuế và tạo điều kiện thảo luận về việc đánh thuế hiệu quả đối với các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao” - theo tuyên bố chung.
Các nước bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện chiến lược hợp tác và điều phối chính sách kinh tế vĩ mô trên nền tảng Đối tác kinh tế BRICS (BRICS Economic Partnership).
Các nước cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Nền tảng công nghệ mới của Hội đồng doanh nghiệp BRICS, nỗ lực mở rộng vai trò của Ngân hàng Phát triển Mới của BRICS "trong việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững" của các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác trong y học.
Các quốc gia BRICS nhất trí thảo luận và nghiên cứu khả năng thành lập một hệ thống thanh toán và lưu ký BRICS Clear, cũng như ủng hộ sáng kiến của Nga nhằm thành lập Sàn giao dịch ngũ cốc để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Về các vấn đề quốc tế, các quốc gia BRICS ủng hộ cải cách các thể chế Bretton Woods bằng cách tăng cường đóng góp của các nước đang phát triển vào nền kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo BRICS ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương cởi mở và công bằng với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cung cấp chế độ đặc biệt cho các nước đang phát triển.
Ngoài ra, các nước BRICS cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cải cách toàn diện Liên Hợp Quốc (LHQ), bao gồm Hội đồng Bảo an, nhằm mục đích làm cho LHQ trở nên dân chủ hơn, đại diện hơn và hiệu quả hơn. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng LHQ nên đóng vai trò chủ chốt trong việc quản lý trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Liên quan các cuộc xung đột hiện nay, các nhà lãnh đạo BRICS bày tỏ sự quan ngại về "việc gia tăng bạo lực và các cuộc xung đột vũ trang đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm những nơi có tác động đáng kể ở cả cấp độ khu vực và quốc tế". Các quốc gia BRICS tái khẳng định "cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua ngoại giao, hòa giải, đối thoại toàn diện và tham vấn theo cách thức phối hợp và hợp tác".
Bên cạnh đó, tuyên bố chung cũng đề cập các vấn đề như phòng ngừa đại dịch trong tương lai, chống biến đổi khí hậu,...
Trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng, từ căng thẳng địa chính trị đến bất bình đẳng kinh tế, BRICS đang đẩy mạnh nỗ lực đưa ra các giải pháp thay thế phản ánh nguyện vọng của Nam Bán cầu. Bằng cách tập trung vào cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, xây dựng quan hệ đối tác mới và nắm bắt đổi mới công nghệ, BRICS đang định vị mình là một tác nhân quan trọng trong trật tự thế giới đa cực đang nổi lên, theo tờ China Daily.
Bước ngoặt của chính trị thế giới
Bà Anuradha Chenoy - GS danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) - nói với hãng tin Sputnik rằng hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan “là bước ngoặt của chính trị quốc tế vì BRICS đang cho thấy có một cách đàm phán tập thể trong hệ thống quốc tế mà không cần đến bá quyền hay sử dụng vũ lực".
Theo bà Chenoy, Tuyên bố Kazan là lộ trình cho các nước BRICS vì nó kết hợp "lợi ích chung" với "quan hệ đối tác chiến lược", trái ngược với cách tiếp cận của các hiệp ước và thỏa thuận do phương Tây lãnh đạo, trong đó "lợi ích" được dành riêng cho các nước phương Tây.
Bà Chenoy nói rằng hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan là sự thay đổi lớn đối với cán cân quyền lực toàn cầu vì “sự trỗi dậy và chương trình nghị sự chung của BRICS cho thấy sự tái phân phối và phân tán quyền lực toàn cầu vốn trước đây do phương Tây tập thể lãnh đạo".
Chuyên gia Zukiswa Roboji tại ĐH Walter Sisulu (Nam Phi) nhận định với hãng thông tấn Tân Hoa Xã rằng BRICS ngày càng thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia, đặc biệt ở Nam bán cầu. Theo bà Roboji, một trong những thành tựu quan trọng nhất của BRICS là kết nạp thêm nhiều thành viên mới trong đầu năm nay, qua đó “thể hiện sức hấp dẫn và sự phù hợp ngày càng tăng của nhóm trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi".
Theo chuyên gia Roboji, BRICS đại diện cho sự chuyển dịch theo hướng đa cực, hấp dẫn các quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ và giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc phương Tây. Ngoài ra, các cam kết của BRICS đối với chủ nghĩa đa phương và cải cách quản trị toàn cầu "phù hợp với lợi ích của các nền kinh tế mới nổi hướng tới việc có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong quá trình ra quyết định quốc tế".
“Thông qua các sáng kiến kinh tế, vận động cải cách thể chế và lập trường nguyên tắc về chủ quyền và không can thiệp, BRICS đã trở thành nền tảng thiết yếu để giải quyết các nguyện vọng và thách thức của các quốc gia Nam bán cầu” - bà Roboji nhấn mạnh.
BRICS giúp đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Theo China Daily, các thành viên BRICS chia sẻ mối quan tâm và thể chế chung có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở Nam bán cầu, nhờ vào:
Thứ nhất, năng lực mạnh mẽ trong cả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của BRICS. Các thành viên BRICS hiện tại đóng góp 42% sản lượng lương thực toàn cầu và tiêu thụ khoảng 40% mức tiêu thụ toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc để đảm bảo an ninh lương thực trong nhóm.
Thứ hai, năng lực xuất khẩu nông sản ngày càng tăng của các thành viên BRICS sẽ cho phép nhóm này đóng vai trò xây dựng lớn hơn nữa trong an ninh lương thực toàn cầu.
Các thành viên BRICS có lợi thế về xuất khẩu các loại cây lương thực chính, chiếm 39% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, 33% lượng lúa mì xuất khẩu và 23% lượng ngô xuất khẩu.
Thứ ba, cam kết của BRICS về hợp tác nông nghiệp đã đặt nền tảng vững chắc cho những đóng góp tiếp theo của nhóm này vào an ninh lương thực toàn cầu.