Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh năm 1946 được xem là người rất đặc biệt của thể thao Việt Nam.
Ông Giang từng được xem là tư lệnh của Đoàn Thể thao Việt Nam trong tất cả các giải SEA Games, ASIAD và cả Olympic với vai trò Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam.
Là con trai cố giáo sư Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam - ông Giang rất thành công từ khi còn là VĐV cho đến nhà quản lý và là nhà chiến lược thể thao. Ngoài ra ông còn là người có năng khiếu âm nhạc lẫn khả năng hội họa và thành thạo các ngoại ngữ tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.
Kỷ lục 1m96 của ông Hoàng Vĩnh Giang từng tồn tại suốt 32 năm (1964-1996)
Bắt đầu đến với thể thao từ môn nhảy cao và tham gia đội điền kinh nghiệp dư Hà Nội đoạt chức vô địch nhảy cao thanh thiếu niên miền Bắc. Ấn tượng ở môn này là kỷ lục 1m96 thiết lập năm 1964 và tồn tại suốt 32 năm.
Khi giữ vai trò Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, ông Giang nổi tiếng là một ông giám đốc khác người và có cái đầu tính toán còn xa hơn cả lãnh đạo ngành thể thao ở Tổng cục. Chiến lược đi tắt đón đầu của ông Giang được ghi nhận đến tận bây giờ với những dự án và chế độ tập huấn cho VĐV Hà Nội từ khi vừa bước qua mậu giáo. Có những dự án ông bắt tay với những đơn vị nước ngoài đưa VĐV đi tập huấn dài hạn đặc biệt là những môn võ và thể dục dụng cụ.
Với chiến lược đi tắt đón đầu, ông từng giúp thể thao Việt Nam có nước rút ngoạn mục đáng kể tại SEA Games 22 - 2003.
Thể thao Việt Nam trong những chuyến mang chuông đi đấm xứ người ở những kỳ SEA Games 15 lần đầu hội nhập và tiếp theo sau đó đến SEA Games 22 lần đầu tổ chức tại Hà Nội, thì ông Giang luôn được xem là nhà chiến lược, là quân sư cho lãnh đạo cấp cao về định hướng, chiến lược và cả dự báo của thể thao Việt Nam.
Còn nhớ 20 năm trước, tại SEA Games 21 – 2001 tổ chức ở Malaysia, khi đại diện cho ngành thể thao Việt Nam nhận cờ đăng cai SEA Games 2003 thì ông Giang đã bắt đầu tính toán đến số môn, số huy chương và thậm chí là cả vị trí số 1 Đông Nam Á bằng cái cách rất riêng của một nhà chiến lược quá rành và quá hiểu sân chơi Đông Nam Á. Chính ông là người dám hứa với lãnh đạo về vị trí số 1 toàn đoàn mà thể thao Việt Nam hồi đấy chỉ ngấp nghé top 4 và top 3 Đông Nam Á chứ chưa bao giờ chen chân lên thứ nhì.
Kết quả là SEA Games 22 – 2003 thể thao Việt Nam đã về nhất toàn đoàn với số HCV vượt trội.
Ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những đóng góp nổi bật của mình cho nền thể thao nước nhà năm 2006. Năm 2017, ông được tôn vinh ở hạng mục Thành tựu trọn đời của giải thưởng Cúp Chiến thắng.
Nhận giải Thành tựu trọn đời tại Cúp Chiến Thắng 2017.
Điều đặc biệt của ông là lúc nào cũng đau đáu với sự phát triển của thể thao nước nhà. Tuổi ngoài 70 nhưng thời gian qua ông vẫn luôn nghĩ và luôn đóng góp cho thể thao Việt Nam trong vài trò của một cố vấn đặc biệt và định hướng cho những thế hệ trẻ theo ông trong công tác quản lý, định hướng chiến lược…
Trưa 11-9, tại nhà riêng ở Hà Nội, ông qua đời vì cơn bệnh nhồi máu cơ tim để lại cho ngành thể thao và rất rất nhiều những nhà quản lý thể thao, các VĐV sự tiếc thương về một tấm gương lao động và cống hiến không mệt từ khi còn là VĐV cho đến lúc nhắm mắt ở tuổi 75.