Thương tiếc nhà văn Trần Thanh Giao - nhớ một người hiền queo!

Trưa 20-1-2016, đại diện báo Pháp Luật TP.HCM (nơi nhà văn Trần Thanh Giao có nhiều năm cống hiến với vai trò biên tập viên) gồm Phó Tổng biên tập Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập Thu Tâm và nhà báo Nguyễn Tý đã đến viếng nhà văn. Nhà báo Hoàng Chương đã chia sẻ trong sổ tang: “Nhà văn Trần Thanh Giao - nhà văn hiền queo và tử tế. Tử tế với nhiều anh em lúc làm tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM. Chú đi thanh thản. Anh em mãi nhớ chú!”.

 Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM, từ trái sang: nhà báo Nguyễn Tý, Phó Tổng biên tập Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập Thu Tâm đến viếng nhà văn Trần Thanh Giao. Ảnh: Hòa Bình

Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cũng chia sẻ trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc nhà văn Trần Thanh Giao - nhà văn đóng góp rất nhiều cho văn học TP.HCM và cả nước. Đặc biệt hơn nữa, ông là một cán bộ mẫn cán chăm lo công tác bồi dưỡng, đào tạo giới viết văn trẻ TP. Giới văn chương TP quý mến, kính trọng ông!”.

Trên Facebook của mình, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan chia sẻ: “... Anh không chuẩn bị chuyến đi xa này nên anh không cho chúng em biết. Sao anh đi âm thầm vậy? Chúng em nhớ chuyến đi Lâm Hà, Đà Lạt, anh làm chỉ huy trưởng. Anh rất đúng giờ. 6 giờ lên xe, 4 giờ anh đã dậy, 5 giờ alô kêu từng đứa. Mấy đứa nói lén "Đạo Soái rắc-lô quá...". Trời Lâm Hà trong veo, mát. Trời Đà Lạt lạnh cóng. Đêm đó cơn rét đột ngột kéo về. Nhìn anh chỉ khoác chiếc áo ghi-lê nhà báo. Chúng em xuống chợ tìm mua tặng anh cái áo len. Anh mặc vào và cười hiền hậu "Ấm lắm". Vừa rồi, gặp anh tại buổi họp của Thành ủy, anh rủ cả nhóm làm một chuyến trở lại Lâm Hà. Anh hồ hởi nói: "Anh nghỉ hưu rồi nên không làm trưởng đoàn nữa. Mình không có tư cách đi từ hội. Không có hội thì ta vẫn đi được mà? Ta tự đi với ta thôi..." và anh cười khà khà... "Tập hợp nhau lại nhé, ai đi thì lên danh sách, ăn tết xong mình đi..." Vậy mà anh bỏ đi đâu vậy? Đại Soái Trần Thanh Giao? Thôi đành, anh đi bình an nhé...”.

Trên trang cá nhân của mình, nhà văn Bích Ngân viết: “Nhà văn Trần Thanh Giao đột ngột ra đi... Đột ngột, mới đây ở buổi tọa đàm "Nhà văn, anh là ai?", nhà văn Trần Thanh Giao là người sốt sắng viết và gởi bài viết dài hơn 5.000 chữ đến BTC sớm nhất. Đột ngột, bởi trong tập sách nhiều tác giả của Hội Nhà văn TP sắp ra mắt bạn đọc, bài ông viết cũng gửi sớm nhất và tít bài cũng là tên chung cho tập sách "Dọc đại lộ Đông Tây". Đột ngột, bởi lúc nào gặp trông ông cũng khỏe khoắn, nhanh nhẹn, đầu óc minh mẫn, đi lại liên tục, cần mẫn ghi chép và viết đều, viết khỏe. Hôm ở buổi tọa đàm "Nhà văn, anh là ai?", ông còn hứa với tôi là sẽ tập hợp những bài đã đăng thành một tiểu luận về nghề. Đột ngột, còn bởi dù đã tuổi lão từ lâu nhưng lớp nhà văn sinh sau đẻ muộn cứ gọi ông là "anh"…

Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM và nhà thơ Ngọc Khương, nhà thơ Lê Hoàng Anh tại tang lễ nhà văn Trần Thanh Giao. Ảnh: Hòa Bình

Giới văn chương TP.HCM nhiều thế hệ đã đến thắp hương tại đám tang của nhà văn hiền queo và tử tế này.

Vài kỷ niệm với “Thầy” Trần Thanh Giao

Thương tiếc nhà văn Trần Thanh Giao - nhớ một người hiền queo! ảnh 3

Từ trái sang: Bà Nguyễn Túy Hạt, ông Huỳnh Ngọc Chi (Nguyên TBT báo Pháp luật TP.HCM), luật sư-TS Phan Đăng Thanh, nhà văn Trần Thanh Giao (nguyên BTV thời kỳ đầu của báo Pháp luật TP.HCM). Ảnh tư liệu báo Pháp Luật TP.HCM

Cách đây 10 năm (2006-2016), tôi cùng nhà thơ Phan Trung Thành, nhà báo Hoàng Tả Pháp cùng một số cây bút trẻ được dự trại sáng tác và Bồi dưỡng Lực lượng viết văn trẻ do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Nhà văn Trần Thanh Giao trực tiếp làm Trưởng trại và phụ trách về Lý luận phê bình. Từ đó chúng tôi gọi nhà văn Trần Thanh Giao là "Thầy".

Ngày đó, thầy đã ở tuổi 75 nhưng rất khỏe, giọng nói sang sảng. Nghe tin thầy qua đời đột ngột, anh em nhà văn ngạc nhiên vì dù ở tuổi 85, thầy dường như chưa hề phải nằm viện. Bất cứ một hội thảo hay giới thiệu tác phẩm mới, thầy đều tham dự và đóng góp sôi nổi, hào hứng.

Trước đó, vào năm 2002, tôi vinh dự được tham gia trại sáng tác cùng thầy và một số nhà văn nghệ sĩ như: Kim Quyên, Bích Ngân, Hà Văn Thùy, Đặng Hồng Quang, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, nhà báo Nguyễn Viện… tại thành phố Buôn Ma Thuột. Những buổi giao lưu lửa trại cùng người Ê đê, họ nói tiếng Pháp, trong lúc thế hệ trẻ chúng tôi một chữ cắn làm đôi cũng không biết, thầy Giao đã sử dụng tiếng Pháp nói chuyện với họ nhuần nhuyễn một cách thoải mái, cởi mở. Chúng tôi thầm thán phục. Khi đến suối Trinh Nữ, trong khi chúng tôi còn lếch thếch phía dưới, thầy đã tót lên đỉnh suối. Sức khỏe của thầy thật đáng khâm phục. Chúng tôi đều ước gì sau này ở tuổi 70 trở lên còn minh mẫn, dẻo dai như thầy.

Tôi nhớ mãi câu nói Thầy răn dạy: "Văn thơ như một bông hoa nhưng nếu lấy nó làm mục đích kinh tế thì… khó. Hiện nay sống bằng văn thơ khó lắm, người sống được chỉ đếm trên đầu ngón tay, dẫu có thu nhập cao cũng vẫn phải làm thêm. Tốt hơn hết là nên viết báo, có thể “đắp đổi” được. Nghề báo giúp ích rất nhiều cho nghề văn. Nhiều nhà văn xuất thân từ nghề báo". Lời nhắc nhớ của thầy cũng chính là kinh nghiệm làm báo thầy đã trải qua để làm cho trang vẫn lấp lánh nhiều tư liệu sống. Trong đó, thầy có thời gian làm biên tập viên báo Pháp Luật TP.HCM thời kỳ đầu.

Vĩnh biệt Thầy - người đã sống và viết hết mình. Chúng em - thế hệ trẻ mãi noi theo. Nhớ Thầy, nhớ giọng nói sang sảng, nụ cười hiền queo...

NGUYỄN TÝ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm