Mang đến một sức sống đặc biệt cho nhân vật ngay từ vai diễn đầu tiên, tên tuổi có thể được ghi nhận bằng những giải thưởng điện ảnh hoặc tạo dấu ấn với khán giả truyền hình nhưng những diễn viên có năng khiếu bẩm sinh này không còn cơ hội để trở thành diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Họ giống như những ngôi sao lóe sáng rồi biến mất.
Xuất hiện một lần rồi biến mất
Được trao giải Diễn viên trẻ triển vọng tại giải Cánh diều năm nay, nhưng diễn viên nhí Phạm Gia Hân của phim Cú và chim se sẻ đã khiến nhiều người phải băn khoăn về cơ hội trở lại của em trên màn ảnh rộng. Đỗ Lan Hà trước đây từng nhận được giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất Cánh diều 2007 (với vai diễn đầu tiên cho nhân vật Mai trong phim Trái tim bé bỏng) nhưng rồi suốt thời gian qua, Lan Hà đã trở về vị trí của mình là một sinh viên thanh nhạc, cô không có cơ hội nào để tái ngộ khán giả điện ảnh, kể cả phim truyền hình.
Diễn viên Trần Thiên Tú. Ảnh: C.T.V |
Nhiều người đến nay vẫn không quên nhân vật cậu bé An của Hùng Thuận trong phim Đất phương Nam (đạo diễn Vinh Sơn). Đến nay thì “bé An” cũng đã trưởng thành, nhưng khán giả không biết cậu bé có đôi mắt sáng, gần như là linh hồn cho bộ phim của ngày ấy giờ ở đâu, khi hoàn toàn không thấy Hùng Thuận xuất hiện trên phim ảnh. Diễn viên Phùng Ngọc trong vai thằng Cò của phim này, từng làm say đắm người xem về khả năng hóa thân của em vào nhân vật trong phim, cũng là một trường hợp tương tự.
Mới đây, bộ phim Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Vinh Sơn cũng có một gương mặt diễn viên nhí mới toanh của điện ảnh Việt: Bé Hiếu Anh trong vai cu Nhứt. Xuất hiện không nhiều nhưng cu Nhứt lại là nhân vật “sợi dây” nối kết bền chặt những mối quan hệ của các nhân vật trong phim. Diễn viên Hồng Ánh nói rằng diễn xuất quá tốt của bé Hiếu Anh phần nào giúp chị hóa thân trọn vẹn hơn vai Hạnh, vai diễn đã giúp cho Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc phim khối Á-Phi tại Liên hoan Phim quốc tế Dubai và Nữ diễn viên xuất sắc nhất giải Cánh diều 2008 của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Trong phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh, diễn viên nhí Trần Thiên Tú với vai Ngô đã để lại một dấu ấn thật sâu đậm trong lòng khán giả, bởi tài năng diễn xuất sinh động, chân thật của em. Tú diễn tự nhiên và gây xúc cảm đến mức lấn át cả những vai chính trong phim. Tú sẽ khó có cơ hội trở thành một diễn viên chuyên nghiệp nếu em không được đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp, có kỹ năng hóa thân nhiều loại vai khác nhau.
Dù mới chỉ xuất hiện một lần trên màn ảnh nhưng vai diễn của các em thật sự thành công, rất được giới chuyên môn và khán giả ghi nhận, nhưng cơ hội để được phát triển năng khiếu này là gần như không có. Có rất nhiều tài năng điện ảnh trẻ như thế lần lượt bị bỏ quên.
“Vắt chanh bỏ vỏ”?
Các đạo diễn luôn muốn tìm kiếm những gương mặt mới để có thể tạo nên một hiệu ứng khác cho phim. Và cứ mỗi đoàn làm phim ra đời đều có bộ phận casting để chọn diễn viên có gương mặt và lối diễn xuất thích hợp cho các nhân vật. Vì vậy, những gương mặt cũ cứ thế dần đi vào quên lãng.
Diễn viên Đõ Lan Hà. Ảnh: C.T.V |
Đạo diễn Vinh Sơn nói: “Tôi rất tiếc khi một diễn viên xuất sắc mà mình “đãi cát tìm vàng” rất khó khăn như Hùng Thuận đã không có cơ hội để phát triển khả năng diễn xuất. Cũng như những gương mặt trẻ sau này gần như không có cơ hội trở lại với phim ảnh”.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết: “Một diễn viên có thể rất thành công với vai diễn này nhưng chưa hẳn thích hợp với vai diễn khác. Như bé Phạm Gia Hân thể hiện rất tốt vai diễn trong phim Cú và chim se sẻ nhưng khi casting một vai trong bộ phim truyền hình tôi đang thực hiện Chuyện nhà tôi thì thật sự bé đã diễn chưa được. Rất khó đòi hỏi ở những diễn viên không chuyên một sự hóa thân hoàn hảo cho tất cả các loại vai”.
Đạo diễn Xuân Phước – từng được bạn bè, đồng nghiệp khen là “giỏi” khi tìm được 3 khuôn mặt mới khá hợp cho phim Nữ sinh - cũng đồng quan điểm: “Cơ hội trở lại màn ảnh của các diễn viên không chuyên có thể nói là rất khó. Các em thể hiện vai diễn đầu tiên cũng hồn nhiên như chính cuộc sống ngoài đời của các em vậy. Nhưng nếu muốn thể hiện thành công nhiều dạng nhân vật, buộc lòng các diễn viên trẻ phải được đào tạo về diễn xuất”.
Điều đáng tiếc là lâu nay các trường đạo tạo nghệ thuật diễn xuất chuyên nghiệp, như đại học, cao đẳng nghệ thuật điện ảnh - sân khấu cấp quốc gia vẫn không có khoa, lớp tuyển sinh và đào tạo những năng khiếu diễn xuất bẩm sinh nhỏ tuổi như các nhạc viện hay trường múa. Một nền điện ảnh phát triển chuyên nghiệp không thể không bắt đầu từ chiến lược đào tạo con người. Tìm kiếm và đào tạo chuyên nghiệp cho những gương mặt trẻ triển vọng là cách mang đến một đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp cho nền điện ảnh nước nhà sau này. Bỏ phí và để thui chột những tài năng diễn xuất nhỏ tuổi là lỗi của những người làm điện ảnh hôm nay.
Diễn viên Hùng Thuận.Ảnh: TFS
|
Theo TIỂU QUYÊN (NLĐ)