Tiền gửi thanh toán tại ngân hàng bất ngờ giảm mạnh

(PLO)-  Từ 2013 đến nay, chỉ có 6/37 quý ghi nhận tiền gửi thanh toán tại hệ thống ngân hàng sụt giảm, trong đó quý 2 vừa qua có mức sụt giảm tiền gửi thanh toán mạnh nhất.

Nếu kết thúc quý 1 đầu năm nay, lần đầu tiên hệ thống ngân hàng ghi nhận tiền gửi thanh toán đạt mốc 1 triệu tỉ đồng, thì sang đến cuối quý 2 lại đánh dấu quý đầu tiên trong 3 quý gần nhất có tiền gửi thanh toán của dân cư tại các ngân hàng sụt giảm.

Theo thống kê của Trung tâm thông tin giám sát tài chính quốc gia (NFSC), từ 2013 đến nay chỉ có 6/37 quý ghi nhận tiền gửi thanh toán sụt giảm, trong đó quý 2 vừa qua có mức sụt giảm tiền gửi thanh toán mạnh nhất.

Cụ thể, tính đến hết quý 2 năm nay, số dư tiền gửi thanh toán của người dân tại hệ thống ngân hàng là 979.115 tỉ đồng, bất ngờ giảm hơn 61.600 tỉ so với quý 1 đầu năm. Đây cũng là quý đầu tiên trong chín tháng gần nhất tiền gửi thanh toán của dân cư tại ngân hàng sụt giảm.

Theo số liệu trong báo cáo tài chính nửa đầu năm nay của các ngân hàng đều ghi nhận tỉ lệ tiền gửi thanh toán không kỳ hạn (CASA) sụt giảm.

Chẳng hạn tại Techcombank tỉ lệ CASA vào cuối quý 2 xuống còn 47,5%, giảm 3% so với quý đầu năm. CASA tại ngân hàng MB giảm từ 45% trong quý 1 xuống còn 44,3%. Tại VPBank, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn cũng giảm mạnh đến 2,5% so với quý trước, xuống còn 19%.

Tương tự, tính đến cuối quý 1, tỉ lệ này tại MSB là 38,3%, đến cuối quý 2 lại giảm xuống còn 36,7%. Nhiều ngân hàng khác cũng có tỉ lệ CASA sụt giảm trong quý 2 so với quý trước có thể kể đến như TPbank, ABBank, SHB, OCB, LienVietPostBank...

Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong các quý tới, tỉ lệ CASA có thể gặp áp lực giảm do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Tiền gửi thanh toán đóng vai trò quan trọng với hệ thống ngân hàng, bởi đây là nguồn tiền gửi giá rẻ với lãi suất gần như bằng 0. Ngân hàng nào có tỉ lệ CASA càng cao, ngân hàng đó càng chiếm ưu thế về chi phí vốn, qua đó gia tăng lợi nhuận.

Ngược lại, tỉ lệ CASA sụt giảm sẽ gây áp lực lên tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các nhà băng, nhất là ở thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng nhanh hơn so với lãi suất cho vay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới