Tờ Wall Street Journal trích dẫn từ một nguồn không được tiết lộ: Ở vài trường hợp, các nhân viên tình báo đã không thông báo cho ông Trump về nguồn và phương thức họ dùng để thu thập thông tin đã được phân loại từ các chính phủ nước ngoài. Đồng thời cơ quan tình báo cũng không chỉ ra tên của những nhân viên cũng như cựu nhân viên liên quan đến vấn đề đó.
Ông Trump gặp gỡ các thành viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sau khi nhậm chức. Ảnh: Reuters
Lý do mà cơ quan tình báo có hành động trên đến từ việc ông Trump liên tiếp bày tỏ sự tôn trọng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các cuộc gọi của thành viên chiến dịch tranh cử của ông Trump với phía Nga cũng là một nguyên nhân. Theo đó, nội dung một số cuộc gọi bị cáo buộc là để yêu cầu tiếp tục khai thác các lỗ hổng an ninh các thư từ điện tử của đối thủ đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton.
Điều đáng chú ý là tất cả nguồn tin của tờ Wall Street Journal đều không hề trích dẫn đích danh từ bất kỳ nhân viên tình báo nào cả. Wall Street Journal trích dẫn phản hồi từ một nhân viên Nhà Trắng giấu tên, người này lại nói những thông tin trên là sai sự thật. Ngược lại, Wall Street Journal khẳng định dù là nguồn tin giấu tên nhưng hoàn toàn đáng tin và thận trọng.
Các mối liên hệ giữa ông Trump, các cố vấn và chính quyền Nga đang làm chính trường Mỹ rối ren. Ảnh: Reuters
Về mặt chính danh, cơ quan tình báo Mỹ cũng đã bác bỏ thông tin về cáo buộc thông báo không đầy đủ thông tin đến ông Trump. “Bất kỳ cáo buộc nào về việc tình báo Mỹ dù nắm giữ thông tin nhưng từ chối cung cấp báo cáo tốt nhất đến Tổng thống và đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống, đều không chính xác” - phát ngôn viên của văn phòng giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia trả lời tờ Wall Street Journal.
Trong thời gian qua, một số cựu nhân viên tình báo cảnh báo rằng những “tin tức rò rỉ đến từ những nguồn nặc danh” có thể là một phần của cuộc công kích thông tin nhắm đến một số cá nhân hay nhắm thẳng đến chính phủ của ông Trump. Cựu đặc vụ FBI Coleen Rowley nói với hãng tin Reuters hôm 16-2: “Những thông tin sai lệch nhưng có vẻ hữu ích này thường được lan rộng bởi những nhà báo có quan hệ tốt với CIA và những viên chức cấp cao khác.”
“Khía cạnh nguy hiểm nhất ở đây là câu chuyện này đã tiến hóa thành một cuộc chiến thông tin. Thông tin đã trở thành công cụ để tạo ra nhiều cuộc chiến hơn. Giống hệt lúc chúng ta trở lại thời điểm ông Scooter Libby đến tòa soạn The New York Times và lên kế hoạch đưa tin sai lệch về việc ông Saddam Hussein làm giàu uranium” - ông Rowley cho biết. Ông Scooter Libby từng cố vấn cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Chenney, người cung cấp thông tin sai lệch để hướng dư luận tin rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cựu nhân viên tình báo của MI5 Annie Machon bình luận việc từ chức bất ngờ của Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn vì tự ý điện đàm với Đại sứ Nga Sergey Kislyak lột tả một sự thật rằng còn nhiều người trong chính phủ hiện nay của ông Trump có lập trường chống Nga.