Tin cựu cầu thủ đội Sông Bé cũ Trần Tấn Thông bị ung thư vòm họng lan nhanh trong giới cựu cầu thủ và ai ai cũng muốn có chút gì đó để giúp bạn điều trị căn bệnh hiểm nghèo.
Sáng sớm 8-3, các cựu cầu thủ TP.HCM lấy tên Trường Nghiệp vụ từ thế hệ Đặng Trần Chỉnh, Đặng Trần Phúc, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Hồng Phẩm đến lứa Lư Đình Tuấn, Minh “lép”, Dương Quốc Lộc, Thế Cường và cả những HLV đã và đang trải qua quá trình huấn luyện tại Trường Nghiệp vụ đã rong ruổi xuống Bình Dương đá trận từ thiện giúp bạn. Trong số đó còn có cả cựu vua phá lưới Nguyễn Công Long từng khoác áo đội Bình Định trong những năm 1990 cũng kịp có mặt và ra sân.
Phía bên đội “chủ nhà”, từ lứa cựu trào mang tên Sông Bé cũ như Lê Xuân Trường, Trần Hữu Đức (Cọp), Mai Ngọc Khoa sang đến thành phần Sông Bé vô địch Cúp Quốc gia 1995 cùng lứa Trần Tấn Thông như Văn Quang, Đại Ninh, Văn Dũng, Hữu Phước, anh em nhà Văn Dũ, Văn Khanh, Văn Hải… ra sân trong màu áo cựu tuyển thủ Sông Bé.
Cựu cầu thủ Đặng Trần Phúc thay mặt các cựu cầu thủ TP.HCM trao quà cho anh Trần Tấn Thông làm lộ phí chữa trị căn bệnh hiểm nghèo. Ảnh: THANH TÙNG
Nghệ sĩ Việt Anh đại diện các cầu thủ Cựu Sinh viên TP.HCM và Trần Tấn Thông. Ảnh: SGGP
Trận đấu được hai bên giao kèo kéo dài đến ba hiệp vì thành phần cầu thủ quá đông và ai cũng “máu” được ghi dấu giày trong trận đấu mang ý nghĩa cao đẹp này.
Cựu tuyển thủ Sông Bé Trần Tấn Thông nghẹn ngào nhìn những đàn anh, những đồng đội và đồng nghiệp mình ngày nào hết lòng và hết mình vì mình. Anh chia sẻ: “Thời chúng tôi đá bóng rất khó khăn và nghèo khó. Đặc biệt là sau nghiệp cầu thủ nhiều người phải vật lộn với cuộc sống để lo sinh nhai và lo cho gia đình. Thế nhưng khi hay tin tôi đau yếu thì tất cả anh em từ khắp nơi hội tụ về. Người thì dúi vội vào chiếc phong bì, người thì hy sinh một tháng lương, cũng có anh em may mắn làm công ty này, công ty nọ đã trích một phần lợi nhuận để giúp tôi… Hạnh phúc nhất là những cái bắt tay, cái ôm thật tình cảm với những lời động viên tôi phải mạnh mẽ vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Cái tình và tấm lòng đấy thật cảm động… Chính các đồng nghiệp cũ đã tiếp thêm cho tôi sức lực để cuối tháng 3 này trở lại BV Ung bướu TP.HCM với một nghị lực mạnh mẽ hơn dù kết quả có như thế nào…”.
Trước đó, mùng 10 tết, các cựu cầu thủ Sông Bé cũ và Bình Dương đã kết hợp cùng các anh em của đội Cựu Sinh viên TP.HCM do HLV Minh “nhí” dẫn dắt, đã đến sân Bình Dương thi đấu và bán đấu giá các tặng phẩm để giúp cựu cầu thủ Trần Tấn Thông có kinh phí chữa trị. Một trận đấu thật xúc động và đầy tình người mà ở đấy nhiều người lại nhớ đến vinh quang của bóng đá Sông Bé ngày nào gắn với tên tuổi Trần Tấn Thông. Một số 10 từng được xem là hung thần của các đội bóng.
Ai cũng động viên Trần Tấn Thông hãy mạnh mẽ vượt qua số phận như ngày nào anh cùng thế hệ cầu thủ Sông Bé mới lên hạng và mạnh mẽ vượt qua nhiều đội bóng lớn để đăng quang ngôi vô địch giữa lòng Sài Gòn năm 1995…
Chia tay trận đấu nghĩa tình trên, chúng tôi cứ nhớ mãi lời động viên chân thành của cựu vua phá lưới Việt Nam Nguyễn Công Long: “Không bi quan Thông nhé! Hãy mạnh mẽ lên và gắng sống vui, sống có ý nghĩa. Anh em luôn ở bên Thông mọi nơi, mọi lúc và mong Thông chiến đấu với bệnh tật cũng như ngày nào chiến đấu trên sân cỏ và là niềm tự hào của bóng đá Sông Bé…”.