Ông nhận định: Sau khi bộ máy thu gọn, lãnh đạo Bộ phải làm việc nhiều hơn vì gánh phần việc mà các tổng cục trước đây đảm nhận. Cùng với đó, cách làm việc của lãnh đạo và cán bộ, sĩ quan cũng sẽ phải đổi mới, rõ trách nhiệm. Có thể một thứ trưởng phải phụ trách, chịu trách nhiệm một vài vụ, cục, tỉnh/thành.
Việc sắp xếp bộ máy mới sẽ động chạm đến lợi ích, tâm tư của hàng trăm sĩ quan cấp tướng và hàng ngàn sĩ quan cấp tá nhưng lúc này, hơn bao giờ hết, các sĩ quan trung và cao cấp của ngành công an cần đặt lợi ích phục vụ nhân dân lên trên hết.
Ông cho rằng có ba hướng để xử lý trong việc sắp xếp cán bộ khi triển khai mô hình bộ máy mới.
Thứ nhất, với các lãnh đạo tổng cục gồm trung tướng và thiếu tướng, nếu người nào còn trẻ thì có thể tiếp tục bố trí làm việc, người nào còn dưới hai năm đến tuổi hưu mà đồng ý thì cho nghỉ. Một số người đeo cấp hàm tướng đã làm việc này và đây là biểu hiện rất tích cực. Áp dụng tương tự với sĩ quan cấp tá, cục trưởng, cục phó, đây là một lối ra đối với các cán bộ chủ chốt cấp cao.
PGS-TS-Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an. Ảnh: VIETTIMES
Thứ hai, số còn lại sẽ được bố trí với chức vụ thấp hơn, từ tổng cục trưởng xuống cục trưởng, khoảng 60 cục trưởng (số cục được tinh gọn - PV) thì đương nhiên sẽ có người phải xuống cấp phó rồi.
Thứ ba, một số sĩ quan sẽ đưa về tăng cường cho địa phương, đây cũng có thể là một kênh giải quyết.
“Đó là ba hướng đi, giải quyết tôi cho là hợp lý. Địa phương sẽ được tăng cường, tập trung cho tỉnh, tỉnh thu gọn đầu mối thì đưa về huyện, huyện thì đưa về xã, nhất là những địa bàn trọng yếu về an ninh trật tự, vùng sâu vùng xa, diện tích lớn” - ông Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định: Cùng với việc sắp xếp lại bộ máy, tới đây số lượng công an sẽ không tăng nữa. Ngay từ năm học 2018-2019, các trường công an đã bắt đầu giảm số lượng đầu vào, việc tuyển theo nghiệp vụ cũng không còn.
Việc thay đổi tổ chức đến giảm biên chế làm cho công an bám với thực tiễn, nắm chắc tình hình hơn, từ địa bàn xã/phường đến quận/huyện, từ đó chủ động đấu tranh, phòng chống tội phạm. Mô hình này là một cuộc cách mạng về tổ chức, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Vì việc đổi mới sẽ đụng chạm đến lợi ích của nhiều người nên tập thể lãnh đạo Bộ Công an cũng như cơ quan tham mưu giúp việc về công tác cán bộ phải công khai, minh bạch và công bằng. “Từ ba ông cục trưởng chỉ chọn một ông thì phải để cho tập thể sĩ quan người ta cân nhắc, ý kiến nên để ai làm cục trưởng mới, ai là cấp phó. Phải minh bạch, công bằng. Khi đã làm được điều đó thì sẽ ngăn việc chạy nhóm lợi ích, những người bị đụng chạm đến lợi ích cũng yên tâm hơn. Làm công khai thì họ yên tâm nhưng để chạy sau lưng, chạy đêm chạy ngày thì người ta sẽ thắc mắc, bùng nổ kiện cáo” - ông Cương cho hay.
“Công tâm, công bằng, minh bạch cũng là biện pháp duy nhất, hiệu quả nhất để làm tư tưởng cho cán bộ hiện nay” - tướng Cương nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng Bộ Công an là đơn vị tiên phong trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các bộ khác cũng cần thực hiện nghiêm, trách nhiệm.
Cho phép dư số lượng cấp phó đến năm 2020 Theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 (Nghị quyết Trung ương 6) và Kết luận của Bộ Chính trị thí điểm đổi mới, sắp xếp tổ chức nhân sự: + Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương xây dựng đề án riêng rà soát, kiện toàn, sắp xếp, tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng quân đội, công an theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang, phù hợp với quy định chung của hệ thống chính trị và tính đặc thù của từng lực lượng. + Khi hợp nhất, số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất không vượt quá tổng số lãnh đạo cấp phó hiện có của các cơ quan thành viên, đồng thời xây dựng lộ trình cơ cấu lại để đến hết năm 2020 có số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất theo quy định. |