TNGT: Đừng đổ thừa mất thắng, mất lái!

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Tại cơ quan công an, hầu hết tài xế gây tai nạn đều cho rằng nguyên nhân là do xe mất thắng, mất lái. Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông đều cho rằng đó là một lý do rất tào lao!

Mất thắng, xe đừng hòng chạy tiếp

Sáng 1-6, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, thông tin: Xe đầu kéo 51C-181.44 gây tai nạn gần ngã tư Linh Trung trên quốc lộ 1A lúc 3 giờ 50 sáng 31-5 có nhãn hiệu International do Mỹ sản xuất năm 1994 và đến năm 2019 thì hết hạn sử dụng. Đây là loại xe được lắp hệ thống thắng chính cho hai bánh trước và tám bánh của hai trục sau bằng khí nén. Ngoài ra, trên xe còn trang bị hệ thống thắng phụ (thắng tay) dùng trong trường hợp khẩn cấp hoặc khi xe dừng hẳn.

Về nguyên lý, đường ống dẫn khí cho hệ thống thắng được bố trí theo cụm (cho trục của hai bánh trước riêng và hai trục của tám bánh sau riêng) hoặc bố trí chéo (bánh trước bên trái và bốn bánh của hai cặp bánh sau phía bên phải, bánh trước bên phải và hai cặp bánh sau phía bên trái). Với cách bố trí như trên, giả sử nếu đường dẫn khí gặp sự cố (đứt thắng), người lái đạp thắng thì khí vẫn được đẩy truyền dẫn về phía trước hoặc phía sau hoặc đẩy chéo về các cụm bánh còn lại nên thắng vẫn có tác dụng.

Cạnh đó, các xe tải, xe container được sản xuất từ sau năm 1990 đều có hệ thống tự thắng (locke). Nghĩa là khi hệ thống thắng hoạt động bình thường, khí nén sẽ đẩy má thắng ra khỏi tang thắng, xe chạy bình thường. Khi người lái đạp thắng, dòng khí nén bị ngắt làm cho má thắng bó cứng vào tang thắng. Trường hợp đứt đường truyền khí thì dòng khí cũng bị ngắt giống như lúc người lái đạp thắng, má thắng sẽ tự bung ra bó cứng lấy tang thắng khiến xe không thể chạy tiếp.

Chính vì những lý do trên, theo ông Hùng thì không thể có chuyện xe bị mất thắng mà vẫn chạy tiếp như tường trình của các tài xế gây ra tai nạn.

Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng rạng sáng 31-5 tại ngã tư Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM. Đồ họa: TQ

Tai họa từ “thắng trước lỏng, thắng sau ăn”

Cũng theo ông Hùng, hầu hết xe đầu kéo khi đi kiểm định đều đạt tiêu chuẩn quy định. Nhưng sau kiểm định, khi lắp vào rơmoóc để chở thùng container hoặc hàng rời thì tài xế thường nới lỏng thắng của đầu kéo hơn phanh ở các trục của rơmoóc. Đây là kinh nghiệm phổ biến được các tài xế xe đầu kéo rỉ tai nhau, mục đích để khi thắng xe thì sức nặng của thùng hàng sẽ giúp rơmoóc ăn thắng trước, ghịt đầu kéo lại. Còn nếu thắng trước (đầu kéo) và sau (container có hàng bên trên) đều nhau thì khi thắng, theo quán tính khối lượng hàng phía sau sẽ đẩy dồn về phía trước. Trường hợp nhiều xe bị thùng container hoặc các cuộn, bó sắt thép phía sau đè bẹp cabin là do cách bắt thắng trước sau đều nhau như trên.

Tuy nhiên, cách bắt thắng trước lỏng, sau chặt cũng có nguy hiểm là khi rơmoóc không có hàng hoặc chở thùng container rỗng thì rơmoóc không đủ sức nặng kéo ghịt lại khiến cả đầu kéo và rơmoóc cùng trôi về phía trước dù người lái có cố đạp thắng. Đây có thể là trường hợp xảy ra với xe 51C-181.44 nêu trên.

Mất lái: Rất ít khi do lỗi kỹ thuật

Ngoài lý do mất thắng, các tài xế và chủ xe còn viện dẫn lý do dẫn tới các vụ tai nạn là do xe bị… mất lái. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, các loại xe tải lớn nhỏ, xe khách và xe ô tô con được sản xuất từ sau năm 1990 đều được trợ lực bằng hệ thống thủy lực (lái dầu) thay cho lái cơ trước đây.

Ưu điểm của lái dầu là giúp cho tay lái nhẹ nhàng. Cạnh đó, các bộ phận cơ khí như thang lái, khớp rô tuyn (quả táo)… để truyền dẫn, chỉnh hướng lái được làm chắc chắn hơn kiểu treo trước đây. Do đó, nguy cơ mất lái do gãy thang lái, bể hoặc rớt quả táo như trước rất khó xảy ra. Tuy nhiên, hệ thống lái hiện nay vẫn có thể có các khuyết tật như độ rơ lớn do các quả táo bị mòn hoặc dầu cấp cho hệ thống trợ lái thủy lực bị loãng, lỏng hơn bình thường.

“Vì vậy, để tránh việc lái xe không được như ý muốn thì trước khi cho xe lăn bánh người lái cần đánh tay lái nhiều lần, kiểm tra độ rơ có trong giới hạn cho phép không. Trong trường hợp độ rơ (khi đánh tay lái chết) quá lớn thì cần sửa chữa, thay thế thanh lái, quả táo hoặc thay dầu lái cũ ngay” - ông Hùng lưu ý.

Nỗi đau xé lòng

Trưa 1-6, bà Huỳnh Thị Cẩm (Việt kiều Mỹ) ngồi lặng lẽ ở nhà đại thể BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, nơi lưu giữ thi hài của chồng, con gái, con rể và con nuôi của bà. “Tôi đang đợi các con từ Mỹ về để nhìn mặt cha và em nó lần cuối” - bà nghẹn ngào.

Bà Cẩm cũng rất đau đớn khi nghĩ tới hai con của vợ chồng chị Lý Thanh, khi chúng đột ngột mất cả cha lẫn mẹ. “Hai đứa chỉ năm và tám tuổi, lần về Việt Nam này hai đứa cứ đòi theo ba mẹ mãi mà không được” - bà Cẩm đau khổ.

Nói về tai họa bất ngờ, bà Cẩm buồn bã: “Gia đình tôi khổ lắm rồi. Tôi không muốn tài xế container phải chịu cảnh tù tội nữa. Gia đình sẽ hỏa thiêu vợ chồng Thanh rồi đem tro cốt về Mỹ. Còn chồng tôi thì có thể sẽ rải tro cốt ở quê nhà”.

NB

Xe đầu kéo 51C-181.44 từ năm 2004 đến nay đều kiểm định ở Trung tâm 50-04V. Điều này đồng nghĩa xe chỉ chạy quanh quẩn ở trong khu vực có các khu công nghiệp, cảng thuộc quận 2, 9 và Thủ Đức. Chu kỳ kiểm định của xe gần đây là ba tháng/lần và lần kiểm định mới nhất là ngày 2-3-2015, đợt kiểm định tới sẽ là ngày 2-6. Như vậy xe gây tai nạn trước khi đi kiểm định theo định kỳ hai ngày.

Ông NGUYỄN VĂN HẢI,
Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-04V

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm