Toàn cảnh chuyện đình chỉ chức vụ thủ tướng Thái Lan của ông Prayuth Chan-ocha

(PLO)- Bài viết tổng hợp các diễn biến và lý do Tòa án Hiến pháp Thái Lan quyết định đình chỉ chức vụ thủ tướng Thái Lan của ông Prayuth Chan-ocha.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-8, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ chức vụ thủ tướng Thái Lan của ông Prayuth Chan-ocha để xem xét đơn kiến nghị của phe đối lập về tính hợp pháp thời hạn nhiệm kỳ 8 năm của ông, theo tờ The Bangkok Post.

Dưới đây là các sự kiện đã diễn ra kể từ khi ông Prayut lên nắm quyền vào năm 2014, theo kênh Channel News Asia.

2014 - Ông Prayut nắm quyền sau chính biến

Năm 2014, ông Prayut lên nắm quyền sau khi lãnh đạo cuộc chính biến quân sự lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra.

Sau đó, ông ra lệnh thiết quân luật và tuyên bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: REUTERS

Dưới sự đồng thuận của Quốc vương Bhumibol Adulyadej, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) đã đình chỉ hiến pháp và nhất trí bầu ông Prayut - ứng cử viên duy nhất - làm thủ tướng vào tháng 8-2014.

2017 - Thái Lan ban hành hiến pháp mới

Năm 2017, hiến pháp mới của Thái Lan được ban hành.

Điều 158 của Hiến pháp Thái Lan năm 2017 quy định một chính trị gia chỉ có thể làm thủ tướng trong hai nhiệm kỳ (tức tám năm), bất kể là hai nhiệm liên tiếp hay ngắt quãng.

Chính điều này đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận và dẫn đến tình huống hiện tại mà ông Prayut phải đối mặt.

2019 - ông Prayut được bầu làm thủ tướng thông qua bầu cử chính thức

Ông Prayut được bầu làm thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2019, tranh cử với tư cách là một ứng viên độc lập.

Sau cuộc bầu cử, ông Prayut được bầu làm thủ tướng trong cuộc họp Quốc hội. Quốc hội Thái Lan có 750 thành viên, bao gồm 500 thành viên được bầu thông qua tổng tuyển cử và 250 thành viên của Thượng viện do quân đội chỉ định.

Ông Prayut đã giành chiến thắng với 500 phiếu bầu, 249 trong số đó đến từ Thượng viện.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: REUTERS

2020 - Biểu tình nổ ra

Năm 2020, ông Prayut đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng trên đường phố nhằm phản đối chính phủ.

Áp lực chính trị đã gia tăng kể từ cuộc bầu cử năm 2019, đặc biệt khi đảng Tương lai thể hiện quan điểm chống đối quân đội bị tòa án hiến pháp giải tán.

Bất chấp đại dịch COVID-19, nhiều người đã tập trung tại Đài tưởng niệm Dân chủ ở Bangkok để tổ chức cuộc biểu tình đường phố lớn nhất kể từ cuộc chính biến năm 2014.

Những người biểu tình phản đối chính quyền của ông Prayut và kêu gọi bãi bỏ luật phỉ báng hoàng gia nghiêm khắc của Thái Lan.

2021 - Ông Prayut bị chỉ trích về cách xử lý COVID-19

Ông Prayut đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích về cách xử lý đại dịch COVID-19.

Dù ban đầu được đánh giá là đối phó tốt với đại dịch, Thái Lan đã rơi vào tình thế ngặt nghèo do biến thể Delta chiếm ưu thế ở nước này và khiến làn sóng dịch bùng phát ở khắp đất nước.

Sự lây lan của biến thể Delta và số ca tử vong gia tăng càng khiến công chúng lo ngại và phản đối chính phủ.

Trước tình hình đó, ông Prayut đã phải đối mặt vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 9-2021.

2022 - Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức thủ tướng của ông Prayut

Ông Prayut đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ tư vào tháng 7 và đảm bảo đủ số phiếu bầu để giúp ông giữ chức thủ tướng cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 3-2023.

Tuy nhiên, vào tháng 8, các đối thủ của phe đối lập đã dùng chính hiến pháp mà ông Prayut tạo ra để chống lại ông, bằng cách kêu gọi bãi nhiệm ông theo các quy tắc giới hạn một thủ tướng chỉ được tại vị tối đa trong tám năm.

Phe đối lập lập luận rằng tám năm cầm quyền của ông Prayut cần kết thúc vào ngày 24-8. Theo phe này, tính từ ngày 24-8-2014, ông đã có hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, với mỗi nhiệm kỳ kéo dài 4 năm, theo tờ Bangkok Post.

Ngày 24-8, Tòa án Hiến pháp đã đồng ý đình chỉ chức vụ của ông Prayut.

Phe của ông Prayut phản đối quyết định này và lập luận rằng giới hạn nhiệm kỳ tám năm của ông theo hiến pháp không nên bắt đầu từ 2014.

Những người ủng hộ ông Prayut nói rằng thời hạn tám năm được tính từ 2017 (thời điểm hiến pháp có hiệu lực) hoặc năm 2019 (năm ông Prayut đắc cử thủ tướng thông qua bầu cử).

Nếu tòa án chấp nhận ý tưởng này, ông Prayut có khả năng sẽ cầm quyền cho đến năm 2025 hoặc 2027 - nếu ông thắng một cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm