Tội chi bolero mà chê hỡi Tùng Dương?

Nhạc bolero đang phát triển trở lại rất sôi động trong đời sống âm nhạc hiện nay. Nhiều cuộc thi như Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero, Tuyệt đỉnh song ca, Thần tượng Bolero, Người hát tình ca… cùng những nghệ sĩ gạo cội làm giám khảo như Giao Linh, Phương Dung, Mạnh Đình, Thái Châu, Hương Lan, Phi Nhung... rất được khán giả yêu chuộng. Thế nên việc ca sĩ Tùng Dương thẳng thắn phê bình bolero khiến anh hứng búa rìu của đồng nghiệp và những nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc vượt thời gian đó.

Ca sĩ Tùng Dương (ảnh) gây xôn xao dư luận khi trả lời phỏng vấn trên Zing rằng: "Tôi muốn nói rõ một lần nữa là bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi.

Chúng ta đồng ý rằng bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép bài bác hay khinh bỏ. Thực tế âm nhạc cho thấy nhiều khi giá trị mới lại không có sức hút bằng những điều cũ, cái đó chúng ta phải công nhận.

Nhưng thử hỏi xem nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào. Với ai tôi không biết, nhưng với những người sáng tạo như tôi, anh Quốc Trung, anh Lê Minh Sơn, chúng tôi sẽ không từ bỏ công việc của mình. Tâm trí của chúng tôi là luôn cày xới những mảnh đất mới".

Ngay lập tức Tùng Dương hứng bão. Trong đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng phản pháo.

Trả lời Zing, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không giấu sự bức xúc. Anh cho rằng "Tùng Dương đang tự ảo tưởng cho mình là ai đó ghê gớm lắm".

Đàm Vĩnh Hưng bức xúc với nhận định của đồng nghiệp miền Bắc về nhạc bolero.

Mr. Đàm nhấn mạnh: "Đừng cho phép mình cái quyền phán xét âm nhạc. Những người chuyên môn giỏi hơn gấp bội còn chưa huênh hoang. Như trong giang hồ, đại ca thứ thiệt thường ít lộ diện và nói về bản thân".

Với Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ nên chuyên tâm cống hiến với những sản phẩm mới. "Xét tới xét lui, cuối cùng nghệ sĩ chỉ là người truyền cảm xúc và truyền lửa âm nhạc cho khán giả mà thôi" - ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói.

Thực tế Tùng Dương không phải là nghệ sĩ đầu tiên thẳng thắn phê bình về hiện tượng bolero. Trước đó, nhạc sĩ Quốc Trung hay Lê Minh Sơn cũng gây ra không ít tranh cãi khi đưa ra nhận định thanh niên đắm đuối với những ca khúc ủy mị, sướt mướt là không được bình thường.  

TrênVietnamnet nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã lên tiếng: 

Nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh đặc biệt nhấn mạnh: "Âm nhạc không có tội, nó hoàn toàn không đáng để đem ra mổ xẻ như độc dược. Ngày nào công chúng còn công nhận thì nó vẫn còn tồn tại. Nếu hơn 60% những người nghe nhạc trên đất nước này vẫn đang chấp nhận bolero thì ý kiến trái chiều của Tùng Dương, Quốc Trung hay Lê Minh Sơn chỉ là một góc của sự khác biệt mà thôi".  

Nữ danh ca Phương Dung.

Danh ca Phương Dung - người thành danh với dòng nhạc bolero suốt mấy chục năm qua cũng bày tỏ quan điểm: "Thẳng thắn mà nói, tôi không đồng ý trước ý kiến này và cũng không hiểu sao họ lại có suy nghĩ như vậy. Định nghĩa như vậy là thiển cận và cho thấy họ chưa hiểu nhiều về bolero. Không có dòng nhạc nào thua hay kém, lỗi thời hay lạc hậu, hơn hay kém nhau ở chỗ người sáng tác và trình diễn có biết chạm được đến trái tim khán giả không mà thôi". 

Nhạc sĩ Giao Tiên.

Nhạc sĩ Giao Tiên với gia tài âm nhạc gần 800 bài hát nổi tiếng đã ghi đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ công chúng như Cô Thắm về làng, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Nhớ người yêu, Tình đẹp mùa chôm chôm…

Nhạc sĩ gạo cội tỏ ra bức xúc: "Các vị cứ hô hào hát nhạc sang mới là đẳng cấp, còn chúng tôi là dòng nhạc ướt át, quê mùa. Nhưng thử nhìn vào thực tế khán giả xem họ phản ứng thế nào? Chúng tôi khi sáng tác cũng như các vị, đều mong muốn đứa con của mình được đón nhận. Mỗi nghệ sĩ khi làm nghề đều có hướng đi riêng, xin đừng phán xét khi mình chưa nắm rõ dòng nhạc này". 

Danh ca Giao Linh.

Danh ca Giao Linh khi được hỏi cũng đã thẳng thắn nêu quan điểm. Theo bà, không có khái niệm nhạc sến hay nhạc sang, miễn nó đi sâu vào lòng khán giả thì với bản thân người sáng tác và thể hiện đã là một việc ý nghĩa.

Trước những phát ngôn gây tranh cãi về bolero thời gian qua, "Nữ hoàng sầu muộn" xin phép không bình luận vì quan điểm của mỗi người chắc chắn sẽ không giống nhau do có sự khác biệt về văn hóa, vùng miền...

"Nhiều người hay nói tôi hay các ca sĩ khác hát bolero là tụt hậu, lỗi thời nhưng miễn sao cái tụt hậu của mình làm người ta yêu thích thì tôi vẫn vui vẻ chấp nhận" - Giao Linh nói.

Trên Dân Việt, nhạc sĩ Vinh Sử, Y Vũ, ca sĩ-nhạc sĩ Đình Văn đã lên tiếng:

Nhạc sĩ Vinh Sử 

Nhạc sĩ Vinh Sử cho rằng chính Tùng Dương mới là người thụt lùi.

"Bolero có “tuổi thọ” lâu dài hơn nửa thế kỷ qua thì dĩ nhiên phải có lý do, đó chính là sức hút minh chứng cho sức sống của dòng nhạc này. Không kể độ tuổi, bolero phù hợp với tất cả thế hệ nghệ sĩ và khán giả. Ngoài ra, chính sự linh hoạt của dòng nhạc này khiến bolero luôn thức thời, nghĩa là bolero những năm 60 khác, bolero của năm 2017 lại mang một vẻ đẹp khác nữa nhưng có một điểm chung là luôn đi vào lòng người, kết nối được các thế hệ với nhau" -nhạc sĩ nói thêm.

Nhạc sĩ Y Vũ

"Âm nhạc là sự sáng tạo, đã là sáng tạo là luôn đổi mới và không có sự thụt lùi nào. Nếu nói bolero thụt lùi thì bản thân nó không tồn tại đến ngày hôm nay. Mỗi thể loại âm nhạc đều có đời sống riêng, công chúng riêng của nó. Tôi sáng tác nhiều thể loại cũng nhằm phục vụ cho các đối tượng khán thính giả khác nhau.

Bản thân tôi là nhạc sĩ lớn tuổi, tôi còn thấy được sự phát triển không ngừng nghỉ của bolero, tôi ngạc nhiên và thích trước những bài bolero rất cũ được các nghệ sĩ dàn dựng, phối âm phối khí và thể hiện rất mới mẻ" - nhạc sĩ Y Vũ nhận định.

Nhạc sĩ Y Vũ cũng cho rằng việc âm nhạc phát triển dựa theo "gu" của người nghe là điều hết sức bình thường. "Điều đó cũng đồng nghĩa là nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày càng cao và đang đi lên chứ chưa thấy sự thụt lùi nào cả. Tôi khuyên Tùng Dương nên cẩn trọng hơn với những phát ngôn của mình về bất cứ một dòng nhạc nào mà anh không yêu thích. Âm nhạc được sinh ra theo nhu cầu của công chúng. Hình như chính Tùng Dương mới là người thụt lùi trong suy nghĩ".

Nhạc sĩ-ca sĩ Đình Văn

“Tôi muốn nhắn nhủ với Tùng Dương là em còn trẻ lắm, em chưa đủ tầm để nhận định về một dòng nhạc phổ biến ở miền Nam từ hơn nửa thế kỷ nay đâu. Bolero và cải lương đã trở thành máu thịt của người Nam bộ từ xưa, tồn tại và phát triển, chưa có dấu hiệu thụt lùi. Em nói như vậy có nghĩa là em cho rằng âm nhạc miền Nam đang thụt lùi hay sao?

Nói như vậy là đồng nghĩa với việc đánh đồng những chương trình bolero trên sóng truyền hình trung ương và địa phương... đang thụt lùi?

Với tôi, nếu nói ví von duy tâm thì cải lương và âm nhạc bolero miền Nam là hai ngôi đền thiêng liêng cần được tôn trọng".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới