Ngày 14-8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ GTVT về việc đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây (xã Sơn Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) .
Cầu treo Khe Tây. Ảnh: VnExpress
Theo Tổng Cục đường bộ, cầu treo Khe Tây và cầu Gãy nằm trong phạm vi ngã ba các dòng suối, cầu Gãy bắc qua suối Khe Trôi, cầu treo Khe Tây bắc qua suối Khe Trươi, là hơp lưu của hai dòng suối Khe Trôi và suối Khe Tiên. Tính theo đường thẳng, hai cầu này cách nhau khoảng 250m, nằm trên hai nhánh suối và phục vụ đi lại cho người dân ở hai vùng khác nhau, cầu Gãy nằm trên tuyến đường đi vào xã Hưng Điền, còn cầu treo Khe Tây phục vụ dân cư vùng Khe Bùn - Eo Nâm thuộc thôn 6, nằm trên sườn núi Khe Tây, thuộc xã Sơn Thọ.
Theo Tổng Cục đường bộ Việt Nam nếu đi qua cầu Gãy để vào vùng dân cư Khe Bùn - Eo Nâm thuộc thôn 6 thì người dân phải lội bộ qua dòng suối Khe Tiên, điều này chỉ thực hiện được trong mùa khô, còn về mùa mưa lũ thì nước suối dâng cao và chảy xiết không thể qua lại, dân cư khu vực này bị cô lập hoàn toàn bởi suối Khe Tiên và Khe Trươi.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế hiện trường và ý kiến của các bên liên quan tại cuộc họp, việc đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây để phục vụ trước mắt cho 26 hộ dân sinh sống và 16 hộ có đất sản xuất nông nghiệp của vùng dân cư Khe Bùn - Eo Nâm thuộc thôn 6, xã Sơn Thọ là cần thiết và phù hợp với tiêu chí của đề án.
Về quá trình thực hiện, Cục đường bộ Việt Nam cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây được thực hiệu theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Đến nay, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã có các văn bản khẳng định về sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương kiểm tra, rà soát lại thông tin về dự án xây cầu treo dân sinh để phục vụ... hai hộ dân, báo cáo Chính phủ trước ngày 20-8.
Cầu treo trên nằm trong đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.