Trên đường đua xanh, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên hai lần đăng quang các cự ly 200 m bướm; 200 m tự do, phá hai kỷ lục SEA Games trong khi thể dục dụng cụ tỏa sáng với hai chiếc HCV của Phan Thị Hà Thanh và Đặng Nam. Riêng môn thi “nữ hoàng” lại mất mùa khi chỉ đoạt 1 HCV 5.000 m cùng một kỷ lục SEA Games mới của Nguyễn Văn Lai.
Bơi lội: Không còn từ nào có thể diễn tả hết được sự xuất sắc của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên ở ngày tranh tài hôm qua, cô gái mang quân hàm đại úy tiếp tục khiến đường đua xanh Singapore dậy sóng khi liên tiếp đoạt 2 HCV các cự ly 200 m bướm (thành tích 2’11”12), 200 m tự do (thành tích 1’59”27) nữ, đồng thời xô đổ luôn những kỷ lục tồn tại từ bốn năm qua.
Đáng nể hơn, các kỷ lục SEA Games cũ đều do các tài năng bơi lội xuất chúng của Singapore như Tao Li (3 HCV), Quah Ting Wen (3 HCV, một cá nhân hai tiếp sức) sở hữu. Tuy đang là đương kim kỷ lục SEA Games nhưng với sự xuất hiện của Ánh Viên tại đường bơi 200 m bướm, Tao Li đã không đăng ký dự tranh. Còn Quah Ting Wen cũng chỉ đoạt á quân sau Ánh Viên 3”38. Riêng cự ly 200 tự do, Quah Ting Wen bất ngờ bị đánh rớt ngay từ vòng đấu bảng.
Ánh Viên tiếp tục là nhân vật đặc biệt của ngày thi đấu 9-6 với hai HCV và thiết lập những kỷ lục mới đầy thuyết phục. Ảnh: QUANG THẮNG
Với hai kỷ lục mới được thiết lập cự ly 200 m bướm và 200 m tự do, Ánh Viên nâng tổng số HCV cá nhân lên sáu chiếc, cùng số lần lập kỷ lục SEA Games lên con số 7. Tổng số HCV và kỷ lục có thể chưa dừng lại do ở ngày tranh tài 10-6, Ánh Viên thi đấu duy nhất cự ly 400 m tự do nữ.
Ở đường bơi 400 m hỗn hợp nam, Trần Duy Khôi dù thi đấu rất nỗ lực nhưng vẫn không thể đổi màu chiếc HCĐ với thành tích 4’26”29. Riêng Hoàng Quý Phước về đích thứ tư cự ly 100 m bướm. Thành tích 54”28 kém kỷ lục quốc gia của chính anh.
Điền kinh: Ngoài Nguyễn Văn Lai bảo vệ HCV 5.000 m và lập kỷ lục SEA Games, Nguyễn Thị Oanh thi đấu khá tệ trên đường chạy 100 m nữ. Thành tích 12”02 xếp 8/8 của Oanh (kém xa thành tích tốt nhất 11”75) cho thấy khoảng trống quá lớn sau cái bóng của Vũ Thị Hương ở cự ly 100 m.
Tương tự ở nội dung 10 môn phối hợp, sau sự giải nghệ của Vũ Văn Huyện (kỷ lục gia SEA Games), Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Huy Thái cũng cho thấy khoảng cách khá xa về trình độ so với các đối thủ khu vực. Sau năm môn thi, Huệ và Thái tạm xếp hạng 4 và 5/8 VĐV dự tranh chung kết.
Nội dung nhảy ba bước nam, Nguyễn Văn Hùng không bảo vệ được chiếc HCV do chỉ đạt 15,92 m (thua xa kỷ lục của chính anh 16,67 m lập tại Myanmar 2013) vừa đủ để chạm tay vào chiếc HCĐ.
Thể dục: Phan Thị Hà Thanh tiếp tục thể hiện đẳng cấp của VĐV kiện tướng quốc tế ở nội dung nhảy chống nữ. Với thành tích 13,766 điểm.
Nội dung vòng treo nam, Đặng Nam với bài biểu diễn đạt độ khó cao đã chinh phục được ban giám khảo khó tính, qua đó đạt 15,300 điểm giành chức vô địch. Kém đồng đội 0,7 điểm, Phạm Phước Hưng giành về cho mình chiếc HCB.
Billiards snooker: Trận chung kết nội bộ giữa hai cơ thủ Việt Nam, Trần Phi Hùng đã xuất sắc lội ngược dòng trước đồng đội Mã Minh Cẩm giành chức vô địch nội dung carom 1 băng.
Canoeing: Nội dung C1 đơn 200 m, tay chèo 16 tuổi Trương Thị Phương (thành tích 51”456) thi đấu nổi trội vượt qua các tay chèo mạnh của Thái Lan và Indonesia, đoạt chiếc HCV đầu tiên về cho Canoeing Việt Nam.
Tai nạn hi hữu là vì quá vui mừng trước chiến thắng bất ngờ, Phương bị lật thuyền phải cầu cứu lực lượng cứu hộ đưa vào bờ.
Thái Lan đã vươn lên mạnh mẽ soán ngôi nhì: Tính đến 22 giờ (9-6), Đoàn TTVN giành tổng cộng 33 HCV; 16 HCB; 38 HCĐ xếp hạng ba sau chủ nhà Singapore (52 HCV; 44 HCB; 54 HCĐ). Đoàn Thái Lan sau bốn ngày thi đấu luôn bị đoàn Việt Nam xếp trên đã có cú soán ngôi ngoạn mục khi đại thắng trong môn điền kinh góp phần nâng tổng số huy chương lên 38 HCV; 40 HCB; 35 HCĐ xếp thứ nhì.
Dự báo thành tích ngày 10-6: Điền kinh và bơi là hai môn chủ lực Bơi: Nguyễn Thị Ánh Viên tham dự 400 m tự do. Mặc dù từng đoạt HCĐ 800 m tự do nhưng đây là lần đầu tiên Viên thử sức cự ly này. Hoàng Quý Phước tranh tài cự ly 50 m bướm với khả năng đoạt huy chương cao. Trần Duy Khôi, Phan Gian Mẫn cùng so tài với Schooling (Singapore) 200 m hỗn hợp trong khi ĐKVĐ Lâm Quang Nhật bảo vệ chiếc HCV cự ly 1.500 m nam. Điền kinh: Trên đường chạy 200 m nam/nữ, các VĐV Lê Trọng Hinh, Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Oanh đấu loại giành suất vào chung kết. Nội dung chạy 400 m rào, Nguyễn Thị Huyền tranh vòng chung kết. Cùng cự ly này của nam, Quách Công Lịch, Đào Xuân Cường được kỳ vọng sẽ giành thành tích cao nhất. Cự ly chạy 800 m nam/nữ Việt Nam thường dẫn đầu các kỳ SEA Games, các VĐV Đỗ Thị Thảo, Vũ Thị Ly, Dương Văn Thái, Lê Thanh Hùng thi đấu tranh HCV. Nội dung 10 môn phối hợp, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Huy Thái thi đấu các nội dung 110 m rào, ném đĩa, nhảy sào, phóng lao và 1.500 m. Tại hố nhảy cao, HCĐ SEA Games 27 Bùi Thị Thu Thảo và Nguyễn Thị Trúc Mai tranh chung kết. ĐKVĐ Nguyễn Văn Lai bảo vệ chức vô địch chạy 10.000 m nam. Bùi Thị Xuân thi chung kết phóng lao nữ với hy vọng vàng. Boxing: Hy vọng hai HCV khi dự tranh bốn trận đấu chung kết gồm Nguyễn Thị Yến (51 kg), Lê Thị Bằng (54 kg), Nguyễn Văn Hải (60 kg), Trương Đình Hoàng (75 kg). Thể dục: Tiếp tục hy vọng thành tích cao nhất khi các VĐV tranh chung kết đơn. Lê Thanh Tùng, Hoàng Cường (nhảy chống); Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Vân Anh (cầu thăng bằng); Đinh Phương Thành, Phạm Phước Hưng (xà kép); Phan Thị Hà Thanh (thể dục tự do); Đinh Phương Thành, Hoàng Cường (xà đơn). Billiards: Việt Nam thi đấu vòng tứ kết gặp Singapore nội dung billiards Anh đồng đội nam. Bóng chuyền nữ lúc 9 giờ Việt Nam tranh tài vòng bảng B gặp Malaysia. |