Tổng kết thể thao Việt Nam: Nghĩ về những danh hiệu

Sau cuộc bầu chọn VĐV xuất sắc nhất, tôi hỏi một thành viên từng tham gia điều hành giải Quả bóng vàng: “Năm nay bóng vàng có tiếp tục không khi trái bóng năm 2012 lăn lỗi nhịp?”. Lập tức nghe câu trả lời buồn bã: “Giải truyền thống thì vẫn phải duy trì nhưng chắc chắn sẽ khó lắm đây bởi không thành tích, không huy chương và không cả niềm tin của người hâm mộ thì sẽ rất khó mà trọn vẹn…”.

Quên đi chuyện banh bóng

Danh sách bầu chọn VĐV xuất sắc hôm qua, hầu hết đều không đưa bóng đá vào. Đơn giản vì bóng đá năm 2012 có gì để nhớ. Đấy cũng là lý do có báo đưa cầu thủ nhà vào cả những giải phiếm như “Thùng rác vàng” dù gán ghép đấy bị chỉ trích là “ác”.

Chuyện banh bóng của mùa 2012 đúng là chẳng ai muốn nhớ dù hằng năm những danh hiệu của giải đấu này vẫn diễn ra theo truyền thống. Vẫn phải bói ra một quả bóng vàng trong giai đoạn bóng xịt của thời khủng hoảng. Nó thực sự là thách đố đối với những người bình chọn bởi tìm một nhân vật của bóng đá trong thời điểm này cực khó. Khi mà giải lão tướng được tổ chức ở TP.HCM thì ngập kín sân Tao Đàn với không khí của ngày hội nhưng ra Hà Nội làm giải ở cấp cao hơn thì các lão tướng lại bỏ cuộc chơi vì cay cú. Giải V-League thì để lại đoạn kết buồn hai đánh một sau đó hàng loạt ông bầu bỏ đội. Cấp đội tuyển thì thua tan nát không có nổi một trận thắng và phải về nước sớm để lại những cuộc mổ xẻ dang dở chối bỏ trách nhiệm của người lớn.

Tổng kết thể thao Việt Nam: Nghĩ về những danh hiệu ảnh 1

Chưa năm nào cuộc bầu chọn các danh hiệu lại khó và buồn đến thế do “nắng hạn”. Ảnh: XUÂN HUY - NG.VIỆT

Năm hạn của bóng đá Việt Nam khởi đi từ một cuộc tranh chấp bản quyền ầm ĩ và đấu đá nhau bằng luật rừng sau đó khép lại bằng một hội nghị ban chấp hành cố gồng mình lên để mùa tới có đủ 12 đội bóng theo cơ chế ào ạt lên hạng không cần đến chất.

Bóng đá nội tuột dốc trong khi ở bộ máy quản lý giờ lại quan tâm nhiều đến chuyện chạy ghế ở nhiệm kỳ tới.

Bóng đá nội chuẩn bị sang năm mới mà chẳng ai hổ thẹn với những chai rượu tự trọng của các cổ động viên nhắn nhủ.

Hạn chuyên môn nhưng “đại thắng” ở Asiad

Những nhà làm thể thao năm nay vẫn lấy thành tích giành quyền đăng cai Asiad 18-2019 làm chiến tích.

Ta thắng trong hoàn cảnh rất nhiều quốc gia đâm đơn vào rồi giờ chót rút giống như trò xấp ngửa và đèn xanh đèn đỏ trên sàn thời khủng hoảng kinh tế. Nói như nhà chiến lược Nguyễn Hồng Minh thì giờ ta đang cưỡi hổ và kiểu gì cũng phải chơi.

Chuyện chuyên môn của năm 2012 thật đuối và hạn chế nhưng “cái được” lớn hơn mà các vị lãnh đạo ngành nói là thu hoạch thì lại đang khiến nhiều người lo về bài toán lực lượng. Bài toán mà chỉ SEA Games 22 trên sân nhà ta đã chuẩn bị 10 năm còn nay chỉ 6,5 năm cho Asiad thì ta lại vẫn còn một khoảng trắng.

Cũng có những ý kiến cho rằng kế hoạch 10-15 HCV Asiad 2019 (Asiad 2010 là một HCV duy nhất) được nhắm cho những môn độc như thời SEA Games ta ôm trọn vài chục bộ vàng môn lặn (chân vịt, có vòi hơi…).

Nghĩ về những danh hiệu cuối năm lại thấy lo cho những khoảng trống mà thể thao Việt Nam lép vế kể từ khi nhập vào thành Bộ Văn-Thể-Du. Ngay cả tiếng nói của những người làm thể thao cũng yếu nên đương nhiên các nhà quản lý, các VĐV cũng khó mà tìm được sự mạnh mẽ.

Thôi thì trông mong năm 2013 sẽ đổi khác từ ngành và những nhà quản lý thực sự hết lòng, hết mình cho thể thao thay vì trên cho gì ăn nấy.

Sau một năm hạn lại mong trời đổ mưa…

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm