Trả lời phỏng vấn nhanh của Pháp Luật TP.HCM sau khi ứng cử viên Donald Trump tuyên bố đắc cử tổng thống Mỹ chiều 9-11, PGS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, bình luận:
Toàn bộ diễn biến bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy nước Mỹ đang cần một nhà lãnh đạo có tư duy mới, mạnh dạn hơn, có thể vượt qua những rào cản hiện tại, vượt qua chính trị truyền thống, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng cũng như đối đầu với những vấn đề quốc tế...
. Phóng viên: Với cá tính, phong cách ông Trump như thế, có thể dự báo nước Mỹ tới đây sẽ thay đổi thế nào?
+ PGS Cù Chí Lợi: Những gì ông Trump đưa ra khi tranh cử sẽ ít nhiều được thực thi: Kiểm soát chặt hơn người nhập cư, xét lại các hiệp định FTA, trong đó có TPP…
Cuộc bầu cử này cũng mang lại một thuận lợi mới cho lực lượng cầm quyền. Cả tổng thống và đa số ở hai viện của Quốc hội đều là người Cộng hòa. Các đề xuất từ hành pháp nhờ đó sẽ dễ được Quốc hội thông qua hơn, đồng bộ hơn.
. Chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có điều chỉnh gì?
+ Các điểm nóng quan hệ của Mỹ thì có thể ông Trump sẽ hòa dịu với Nga, duy trì quan hệ với Trung Quốc ở mức không để xảy ra căng thẳng mới… Khi Mỹ hòa hoãn với các nước lớn thì các đồng minh của Mỹ sẽ phải tự xoay xở nhiều hơn. Vai trò của Mỹ như là ngọn cờ, người dẫn đầu trong giải quyết các vấn đề quốc tế sẽ không như trước đây.
Với quan điểm mà ông ấy đã thể hiện khi tranh cử thì Mỹ tới đây sẽ mềm mại hơn trong các ứng xử chính trị quốc tế. Về cơ bản, hành pháp Mỹ sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và đối nội.
. Nước Mỹ giảm bớt vai trò người dẫn dắt là do tân tổng thống đắc cử, hay do bản thân cường quốc này về bản chất đã yếu đi?
+ Chắc chắn là có yếu tố đó. Nhưng đó là quá trình và đối phó thế nào tùy thuộc tư duy, quan điểm người đứng đầu. Trong tương quan với các thách thức bên ngoài, nước Mỹ yếu hơn trước rất nhiều và ông Trump muốn giải quyết bằng cách giảm bớt gánh nặng bên ngoài.
. Trong tổng thể những điều chỉnh chính sách đối ngoại đó, khả năng chính sách của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương sẽ thế nào?
+ Các vấn đề khu vực nói chung thì về cơ bản phải do các nước trong khu vực ấy giải quyết. Mỹ có vai trò quan trọng nhưng không có ý nghĩa quyết định. Nếu Trung Quốc cứng rắn hơn thì tình hình khu vực chúng ta, nhất là quanh biển Đông, Hoa Đông sẽ phức tạp hơn. Trung Quốc có thể cương hơn với Nhật Bản, với các nước có tranh chấp ở biển Đông.
Tuy nhiên, ông Trump xuất thân không phải làm chính trị chuyên nghiệp. Với tính cách của ông ấy thì biên độ dao động trong các chính sách của Mỹ sẽ lớn hơn, khó phán đoán hơn.
. Khi tranh cử ông Trump bày tỏ sự không mặn mà với TPP. Theo ông, tương lai TPP sẽ thế nào?
+ Tôi cho là quá trình phê chuẩn ở Mỹ cũng như các nước tham gia sẽ bị lùi lại chứ không phải là bỏ đi. Cương lĩnh mới nhất của đảng Cộng hòa không có ý nào phản đối TPP. Ông Trump cho dù khi tranh cử có tuyên bố phản đối nhưng khi nhậm chức, là người Cộng hòa, sẽ không thể đi ngược lại quan điểm của đảng mình được. Tuy nhiên, có thể phía Mỹ sẽ yêu cầu thảo luận lại, đưa thêm một số điều kiện nào đó dẫn tới phải đàm phán bổ sung hoặc chỉ ở mức phía Mỹ có thêm tranh luận nội bộ, rồi kéo dài thời gian phê chuẩn.
. Xin cám ơn ông.