TP.HCM chưa quyết cho quán ăn phục vụ tại chỗ

Chiều 25-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, trong đó có việc xem xét mở lại quán ăn phục vụ tại chỗ.

Nhân viên một nhà hàng ở quận Gò Vấp (TP.HCM) sửa soạn các bàn ăn
chờ được phục vụ khách ăn uống tại chỗ trở lại vào chiều 25-10.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Vẫn đang xem xét

Tại buổi họp, liên quan đến đề xuất cho phép dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết UBND TP.HCM đang xem xét và cùng với các sở, ngành cân nhắc việc này.

“Việc phục vụ thức ăn tại chỗ như thế nào, cách làm ra sao, đánh giá như thế nào để mở lại tại chỗ… còn nhiều việc cần trao đổi” - ông Tú nói và khẳng định việc này UBND TP.HCM còn đang trong quá trình trao đổi, xem xét.

Trước đó, ngày 22-10, bên lề kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sau khi TP.HCM công bố cấp độ dịch của 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, từng địa phương sẽ căn cứ vào đó để cho mở lại các dịch vụ. Trong đó, tại địa phương vùng xanh, hàng quán, ăn uống tại chỗ và một số dịch vụ khác sẽ được mở lại. “TP.HCM sẽ mở dần các hoạt động khi tình hình được cải thiện và kiểm soát được dịch, việc mở lại các ngành, dịch vụ phải đảm bảo theo bộ tiêu chí an toàn” - ông Mãi nói.

Trước đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đã có tờ trình dự thảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.

Theo dự thảo, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ sáu tiêu chí, trong đó quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín và không bán rượu, bia.

Không cho bán rượu, bia khác cấm hoạt động

+ Nhà hàng thiết kế hơn 10 phòng trong khu vực hầm rượu, kín. Nếu không cho dùng máy lạnh, các phòng không thể sử dụng do nóng, ngột ngạt. Nhà hàng còn là nơi tổ chức sinh nhật, gặp gỡ và không thể hoạt động nếu không cho bán rượu, bia.

Ông THÀNH, chủ một nhà hàng ở quận Gò Vấp

+ Quán hải sản nướng của tôi tán thành tiêu chí không sử dụng máy lạnh trong quán ăn tại chỗ vì... khói nhưng tiêu chí không được bán rượu, bia chẳng khác cấm hoạt động.

MAI, chủ quán hải sản nướng ở quận Bình Thạnh 

Dịch vụ ăn uống nên mở theo cấp độ nào?

Góp ý dự thảo về mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ trên địa bàn TP.HCM, BS Trương Hữu Khanh (BV Nhi đồng 1, TP.HCM) cho rằng không cần thiết quy định “không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín và không bán rượu, bia”.

Theo BS Khanh, biến chủng virus Delta có khả năng lây lan cao, kể cả trong môi trường kín hoặc không, khả năng lây lan cao nhất là khi những người ăn uống ngồi đối mặt với nhau. Trong bối cảnh bình thường mới, nên cho kinh doanh tất cả mặt hàng người dân có nhu cầu.

BS Khanh cho rằng khi nới lỏng giãn cách, khó tránh khỏi việc phát hiện các ca mắc COVID-19 rải rác, quan trọng là người tham gia ăn uống phải được chích ngừa đầy đủ, nếu có mắc bệnh thì nguy cơ diễn tiến nặng sẽ không cao.

BS Khanh đề nghị các quán ăn chỉ phục vụ tại chỗ cho người đã tiêm đủ hai liều vaccine, nhân viên phục vụ quán cũng phải được tiêm ngừa hai mũi. Nhà hàng, quán ăn phục vụ tại chỗ phải bố trí giãn cách và đảm bảo các quy định phòng dịch từ trước đến nay vẫn làm.

BS Khanh khuyến cáo khi đi ăn uống ở hàng quán, người dân nên suy nghĩ đến khả năng lây bệnh cao hơn và có thể lây cho những người thân ở nhà để quyết định có nên đến những nơi này không...

Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM, lại có cái nhìn khác. Bà Lan thông tin: Ban quản lý ATTP TP.HCM đưa ra dự thảo là để đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch. Trước đó, ban quản lý đã có bộ tiêu chí cho loại hình kinh doanh này nhưng phải sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp, trong đó có nội dung liên quan máy lạnh và rượu, bia.

“Virus SARS-CoV-2 dễ tồn tại và có nguy cơ lây lan trong môi trường lạnh và kín. Do vậy, chẳng may có một thực khách mắc COVID-19 vào phòng máy lạnh ăn uống thì khả năng lây nhiễm cho người khác khó tránh khỏi. Đây là lý do ban quản lý đề nghị không sử dụng máy lạnh trong không gian kín” - bà Lan nói.

“Không máy lạnh thì lượng khách tới quán ít nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố vượt qua giai đoạn này. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tính những bước tiếp theo” - bà Lan nói thêm.

“Có người so sánh tại sao uống cà phê tại chỗ thì được, còn rượu, bia thì không. Hai việc này hoàn toàn khác nhau. Uống cà phê cũng như đi ăn, mạnh ai nấy ăn, uống rồi về. Còn uống rượu, bia phải có bạn, thậm chí đổi ly và kéo dài thời gian. Do vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh” - bà Lan nói.

Bà Lan đúc kết: “Tiêu chí cấm bán rượu, bia trong quán ăn tại chỗ do ban quản lý đưa ra theo tôi không thể thực hiện tuyệt đối. Tuy nhiên, ít nhiều cũng có tác dụng, hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Chúng ta mở cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động lại nhưng cũng cần một điều khoản để ràng buộc. Mở thì mở dần từng bước để giữ những thành quả đã làm được trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, tránh nguy cơ bùng phát bệnh tại TP.HCM”.•

Sáu tiêu chí cơ bản trong dự thảo

1. Cơ sở phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ các cơ sở được quy định tại Điều 12 Nghị định 15/2018) và có đăng ký mã QR tại đại chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn.

2. Đảm bảo điều kiện ATTP tại cơ sở phải thực hiện đúng theo quy định (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan…).

3. Các cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế; bố trí khu vực giao/nhận sản phẩm; trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô tay sử dụng một lần.

4. Người lao động, người đến cơ sở (người giao hận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở…) phải tuân thủ nguyên tắc 5K, phải thực hiện quét mã QR và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 (khai báo y tế, tiêm ngừa vaccine, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính với COVID-19…).

5. Tùy vào cấp độ dịch tại nơi kinh doanh, cơ sở thực hiện hạn chế số lượng người bán, người mua thực phẩm cùng một thời điểm theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

6. Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ: Không sử dụng máy điều hòa nhiệt độ trong không gian kín; không bán rượu, bia. Khách ăn, uống tại chỗ phải đảm bảo thực hiện đúng theo hướng dẫn ngành y tế trong phòng chống dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm