Sáng 22-7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị công bố chương trình chuyển đổi số và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP.HCM.
10 lĩnh vực trọng tâm kinh tế số
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ quyết liệt để sớm đưa chương trình chuyển đổi số vào thực tiễn.
“TP luôn ý thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động đến đời sống kinh tế - xã hội thì chuyển đổi số là cơ hội để biến nguy thành cơ”. Theo ông Phong, yêu cầu hiện nay là TP phải nỗ lực nhiều hơn để đưa chuyển đổi số trở thành nhân tố quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép.
Về chính quyền số, ông Phong cho biết TP.HCM số hóa và tích hợp nhiều dữ liệu để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp toàn TP.
Ngoài ra, TP cũng sẽ đẩy mạnh tích hợp kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở - đây là kênh thông tin chia sẻ tài nguyên dữ liệu giúp người dân và doanh nghiệp sử dụng cập nhật thông tin phục vụ đời sống kinh doanh.
Về kinh tế số, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ tập trung vào 10 lĩnh vực trọng tâm bao gồm y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực.
Ngoài ra, TP sẽ tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo... làm tiền đề phát triển chính quyền số và kinh tế số.
Từ đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu các sở/ngành, quận/huyện và doanh nghiệp thuộc TP xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số. Cùng đó là lập danh mục các dự án gửi Sở KH&ĐT thẩm định, trình UBND TP để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Ông Phong giao Sở TT&TT khẩn trương phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng kế hoạch truyền thông về chuyển đổi số đến người dân. Sở KH&ĐT xây dựng danh mục các dự án chuyển đổi số để kêu gọi đầu tư rộng rãi trong và ngoài nước...
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ quyết liệt để sớm đưa chương trình chuyển đổi số của TP vào thực tiễn. Ảnh: DH
Người dân sẽ tiếp cận nhiều dịch vụ mới
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng TP.HCM là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình chuyển đổi số quốc gia.
“Cái mới thì bao giờ cũng rất cần những người dấn thân đi đầu. Sự mở đầu thành công của TP.HCM sẽ kéo theo cả đất nước thành công” - ông Hùng nói và mong muốn TP phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Theo ông Hùng, dựa vào những dữ liệu đã có, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, chương trình chuyển đổi số sẽ giúp người dân tiếp cận những dịch vụ mới tùy theo nhu cầu. Các quyết định mới sẽ được đưa ra nhờ vào phân tích dữ liệu.
Ông Hùng cho hay Bộ TT&TT cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ TP.HCM về các nguồn lực để thực hiện nhiều thí điểm, chính sách trong mục tiêu chuyển đổi. “Chuyển đổi số thành công cần những thay đổi về mặt thể chế, thay đổi để chấp nhận cái mới, vì chuyển đổi số chủ yếu liên quan đến chuyển đổi mô hình mới” - ông Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị TP.HCM nên chi tiêu nhiều hơn cho chuyển đổi số, chứ không chỉ nằm ở mức 0,4% ngân sách cho công nghệ thông tin như hiện nay.
Tạo điều kiện để tham gia hệ thống dữ liệu Chúng tôi mong muốn TP hãy tạo điều kiện một cách tốt nhất cho doanh nghiệp tham gia vào hệ thống dữ liệu của chính quyền để có thể phát huy được hiệu quả cao nhất. Ông NGUYỄN ĐĂNG KHOA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Cần có quy định về nộp hồ sơ số TP.HCM cần quy định rõ bất kể công trình nào trên địa bàn TP, cứ khi hoàn công, phải nộp hồ sơ số (bản vẽ, hồ sơ về điện nước, viễn thông, kết cấu hạ tầng...) công trình đó cho cơ quan nhà nước để cập nhật vào kho dữ liệu dùng chung của TP. Ông LÂM NGUYỄN HẢI LONG, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM |
Tính toán tăng ngân sách cho chuyển đổi số
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM là địa phương đầu tiên làm đề án đô thị thông minh và cũng là địa phương đầu tiên công bố chương trình chuyển đổi số. “Điều này phản ánh nỗ lực của TP là chọn con đường phát triển nhanh hơn bằng việc phát huy trí tuệ con người, phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin” - ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, dân số TP mỗi ngày một tăng, công chức phải phục vụ khối lượng công việc nhiều hơn 1,7 lần bình quân của cả nước. Sắp tới, muốn phục vụ tốt hơn chỉ có con đường ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp thông minh trên nền tảng số hóa để tăng năng suất làm việc.
Ông Nhân cũng cho rằng cần có trung tâm giới thiệu các giải pháp thông minh của các doanh nghiệp toàn TP.HCM trên các lĩnh vực như cơ khí, dệt may, giáo dục, y tế, giao thông... “Các doanh nghiệp có thể cho các cơ quan, ban ngành dùng thử các giải pháp sáng tạo 3-6 tháng không lấy tiền. Khi nào thấy có hiệu quả thì họ sẵn sàng bỏ ra” - ông Nhân nói.
Về đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nên chi tiêu nhiều hơn cho chương trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ có sơ kết vì sao TP chỉ mới chi ngân sách 0,4% cho lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông. Từ đó, TP mới tính toán khả năng tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này vì mức chi trung bình của các nước vào lĩnh vực này khoảng 1% ngân sách.
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP Công bố về chương trình chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện bộ máy chính quyền, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Cụ thể, đến năm 2025, tỉ lệ hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt hơn 50%; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%... Còn đến năm 2030 sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%... |