Sáng 20-3, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025”. Đây là hội thảo quan trọng đầu tiên của TP trong phát triển AI làm nền tảng xây dựng TP thông minh.
Chưa xây dựng được “bộ não” cực thông minh cho AI
Trao đổi tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng TP cần tạo được nền tảng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo với mũi nhọn chiến lược là đào tạo nhân lực, chính sách phát triển, cơ sở dữ liệu và lĩnh vực chọn lọc. Trong đó, trước hết là một kho dữ liệu số mở có sự liên kết giữa các cơ quan làm cơ sở cho những hoạt động khác. Theo ông, giai đoạn 2020-2025, phát triển AI cần tập trung vào big data, các hệ thống thông minh lý thuyết máy học nền tảng.
“AI là một thuật số thông minh có thể như trí tuệ của con người nhưng để trí não đó được lớn mạnh cần có một nguồn dữ liệu cực lớn, đây là điều chúng ta vẫn chưa xây dựng được” - TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Với vai trò nhà đào tạo, PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, cho rằng cần có một chính sách chung để phát triển AI trong TP cũng như cần có một chính sách trung hạn và dài hạn. Còn trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, theo bà điều khó khăn nhất là nguồn vốn đầu tư. Để giải quyết điều này, TP cần xây dựng một quỹ đầu tư phát triển về AI, trong đó cần đóng góp của cả doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đây sẽ là nguồn quỹ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu tại các trường có sản phẩm trí tuệ nhân tạo được TP, doanh nghiệp yêu cầu.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo. Ảnh: TTXVN
Phải ứng dụng giải quyết được những việc thiết thực
Với ý kiến xây dựng nguồn quỹ đầu tư pháp triển AI, TS Vũ Hải Quân cho rằng TP cần đưa ra những bài toán cụ thể kêu gọi các nhà khoa học tìm kiếm, giải quyết, chẳng hạn với bài toán quản lý rau sạch, thịt sạch, trái sạch, TP có thể đặt hàng các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo để có những giải pháp.
Sẽ chi ngân sách thỏa đáng cho AI Trong bối cảnh mới, TP sẽ ngày càng ứng dụng nhiều thành tựu về AI trong công cuộc xây dựng đô thị thông minh. Điều đó đòi hỏi không chỉ là việc tiếp thu các sản phẩm trí tuệ nhân tạo bên ngoài mà còn là sáng kiến các sản phẩm trí tuệ và đào tạo nguồn nhân lực AI tinh hoa có thể sử dụng và tạo ra các sản phẩm AI. Với nhiệm vụ trọng tâm này, ngân sách thành phố sẽ có những khoản đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phát triển AI. Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN, Bí thư Thành ủy TP.HCM |
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết những thách thức cụ thể mà TP đưa ra để giải quyết sẽ huy động được một nguồn lực chất xám lớn để phát triển. Theo ông, có thể kết nối chặt chẽ hơn và đặt hàng những vấn đề cụ thể cho các trường bởi mỗi trường sẽ có những lợi thế riêng trong việc nghiên cứu và ứng dụng AI.
TS Tú Anh cho biết thêm: “Các đề tài nên ở mức vừa và nhỏ mà có thể giải quyết ngay. Từ đó các viện, các trường sẽ có thể đưa ra những ý tưởng khác, những cách làm hay chứ không phải cứ loay hoay không thể biết”.
Còn thiếu bóng doanh nghiệp khởi nghiệp Là một start up trẻ trong lĩnh vực AI, ông Hoàng Minh Phương, Giám đốc Công ty Graphicsmine, cho rằng công cuộc phát triển AI của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mới chỉ dừng lại ở các chính sách về đào tạo nhưng chưa có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong khi đây là nơi sẽ ứng dụng, thậm chí tạo ra các sản phẩm trí tuệ thông minh. “Nếu ở nước ngoài, các doanh nghiệp khởi nghiệp như Uber, Grab… đều là các doanh nghiệp chắp cánh cho AI phát triển. Và nếu muốn phát triển AI thành công thì không thể thiếu doanh nghiệp khởi nghiệp thì ở nước ta AI vẫn còn là câu chuyện của các trường đại học” - ông Phương nói. |