Sáng 9-12, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM, ngay sau phần chất vấn lãnh đạo Sở TN&MT và lãnh đạo Công an TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có báo cáo về trách nhiệm điều hành, quản lý nhà nước trên địa bàn.
Đưa quản lý đất đai vào kỷ cương
Theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian qua UBND TP đã chỉ đạo lực lượng Công an triển khai công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội bằng các kế hoạch, giải pháp cụ thể. Từ đó phạm pháp hình sự năm nay tiếp tục được kéo giảm 8,25% so với cùng kỳ và là năm thứ năm liên tiếp kéo giảm phạm pháp hình sự.
“Đặc biệt đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây tổ chức, vận chuyển, mua bán ma túy lớn, chuyên nghiệp, thu giữ số lượng lớn ma túy” - ông nói. Ông cũng thông tin thêm là tai nạn giao thông cũng được kiềm chế, kéo giảm trên cả ba mặt và là năm thứ ba liên tiếp tai nạn giao thông được kéo giảm.
TP.HCM là một đô thị lớn và đông dân nhất cả nước với hơn 9 triệu người (nếu tính thực tế là hơn 13 triệu người), điều này gây áp lực lớn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài nguyên môi trường. “Các cấp chính quyền TP rất quan tâm đến các vấn đề trên. Tuy nhiên với khối lượng công việc rất lớn, việc xử lý không tránh khỏi những bức xúc của người dân” - ông nói và khẳng định trong thời gian tới TP sẽ tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các quy hoạch về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có liên quan đến việc sử dụng đất, đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, tiếp tục đưa công tác quản lý đất đai ngày càng đi vào trật tự, kỷ cương, nền nếp.
TP.HCM cũng chú trọng các giải pháp giảm ô nhiễm không khí; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch; thực hiện hiệu quả lộ trình giảm khai thác nguồn nước ngầm (từ 24,78% năm 2019 xuống còn 15,35% năm 2020). Tỉ lệ chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đạt 100%.
Đối với rác sinh hoạt, TP sẽ tiếp tục thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn. Hoàn thành các nhà máy đốt rác phát điện theo kế hoạch xây dựng và triển khai chương trình xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025.
Đại biểu thông qua các tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nghịch lý giữa thu - giữ ngân sách
Một trong những kết quả đạt được trong năm, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: Số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao qua các năm và chiếm hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước nhưng ngân sách TP được hưởng không tăng tương ứng. Tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỉ lệ điều tiết chỉ chiếm tỉ trọng hơn 4% tổng chi cả nước.
Theo ông Phong, số thu ngân sách thực tế TP.HCM được hưởng ngày càng giảm do tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP giảm. “Năm 2003 tỉ lệ điều tiết là 33% nhưng đến thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, tỉ lệ này chỉ còn 18%. Đây là thời kỳ ổn định ngân sách có tỉ lệ điều tiết giảm mạnh so với các giai đoạn trước (giảm 5%)” - ông Phong nói. Ông so sánh nhiều quốc gia và các TP lớn trên thế giới có tỉ lệ ngân sách được giữ lại của các địa phương trên 10 triệu dân bình quân là 46,43%, thấp nhất là 33,09% (Paris).
412.000 tỉ đồng là tổng thu ngân sách ước đạt của TP.HCM trong năm 2019, tăng 3,34% so với chỉ tiêu kế hoạch năm. |
Từ đó người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết UBND TP đã đề xuất xây dựng đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. “Cần điều tiết hợp lý hơn cho ngân sách địa phương của TP.HCM cũng như các tỉnh, thành khác, theo hướng tăng tỉ lệ điều tiết đối với TP.HCM trong 10 năm 2020-2030 từ 18% lên 33% để TP có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước” - ông Phong nói.
Trong năm 2020, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó sẽ tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách bằng việc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà, đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn; xây dựng, triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP, tạo nguồn thu đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ xung quanh khu vực cảng.
TP cũng tập trung vào nhiều đề án quan trọng như đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; đề án “Xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh” và đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.
Người đứng đầu chính quyền TP cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền; tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị; đẩy mạnh ủy quyền cho các sở/ngành, UBND các quận/huyện, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết hồ sơ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp...
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND TP sẽ tập trung giám sát sâu những vấn đề cử tri quan tâm như trật tự, an toàn xã hội, trật tự xây dựng và tiếp tục vận động nhân dân tham gia thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch. Bà Lệ đề nghị UBND TP, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai các nghị quyết đã được HĐND thông qua, đồng thời có những giải pháp nhằm tạo chuyển biến sau kỳ họp. “Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức TP phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, chủ động sáng tạo, đổi mới trong phương pháp làm việc... để thực hiện thành công nhiệm vụ đề ra” - bà Lệ nói. Ngoài ra, bà Lệ cũng yêu cầu các đại biểu HĐND sau kỳ họp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống để phản ánh kịp thời với HĐND, UBND TP và các ngành chức năng. |
Không buông lỏng quan trắc môi trường Chất vấn Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng, các đại biểu đề nghị lãnh đạo sở này có giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không khí nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân. Theo ông Thắng, TP.HCM có 327 điểm đặt trạm quan trắc thủ công. Đến cuối năm 2019 sẽ đưa vào vận hành thử sáu trạm quan trắc tự động và cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ có thêm 50 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường. “Không vì chúng ta chưa có trạm quan trắc tự động mà chúng ta không quan trắc, kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn” - ông Thắng nói và cho rằng một đô thị lớn như TP.HCM không thể buông lỏng việc quan trắc chất lượng môi trường. Ngoài ra, ông cũng cho rằng một trong những giải pháp giảm ô nhiễm môi trường là cần hạn chế xả thải liên quan đến kiểm soát các phương tiện giao thông, trong đó có ô tô và xe máy. Liên quan đến tình hình chủ đầu tư thế chấp dự án chung cư cho ngân hàng, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc ký hợp đồng mua bán căn hộ với người dân. Ngân hàng cũng phải có trách nhiệm khi nhận tờ giấy thế chấp, nội dung thế chấp của chủ đầu tư và phải theo dõi tiến độ xây dựng dự án. “Chứ không phải thế chấp vô tội vạ. Hướng dẫn giấy tờ đó, đến khi dự án hoàn thành rồi lại không có giải pháp cùng địa phương, chủ đầu tư để giải quyết hậu quả” - ông Thắng nói. Về cán bộ nhũng nhiễu, ông Thắng khẳng định có chuyện trong quá trình làm thủ tục đất đai vẫn còn trường hợp cán bộ có những xử sự không đúng và ông hứa sẽ xử lý nghiêm các trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân. |