TP.HCM: Mô hình “lớp học động” tăng tỉ lệ học 2 buổi/ngày

(PLO)- Để đáp ứng nhu cầu học hai buổi/ngày theo chương trình mới trong tình hình quá tải lớp học, nhiều trường ở TP.HCM đã linh động tổ chức mô hình “lớp học động”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Là khu vực đông dân cư nên nhiều năm trở lại đây tỉ lệ học hai buổi/ngày của quận Gò Vấp luôn ở mức thấp. Để tạo cơ hội cho học sinh (HS) được học hai buổi/ngày, ba năm qua Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đã chỉ đạo các trường thực hiện “lớp học động”.

Một phòng học dành cho hai, ba lớp

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết “lớp học động” được triển khai ở bậc THCS trước, sau đó mới đến bậc tiểu học. Về hình thức, “lớp học động” cũng chỉ là lớp học bình thường, có điều khác biệt là không cố định ở một phòng. Cụ thể, trường học luôn có những phòng chức năng phục vụ các tiết tin học, tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục. HS sẽ di chuyển đến các phòng này để học nên phòng học chính bị bỏ trống. Vì thế, trường tận dụng những phòng học trống này để dạy các lớp khác. Phòng học sẽ được hiểu là địa điểm để đặt lớp học, cho hai, ba lớp dùng chung.HS phải di chuyển sao cho ít mất thời gian, giám thị phải có kỹ năng điều hành và quan trọng nhất là người xếp thời khóa biểu phải làm sao để sử dụng hết công suất của các phòng học.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM, đối với các lớp 1, 2, 3, 82,6% số trường có 100% số lớp học hai buổi/ngày; 80,7% số lớp được học hai buổi/ngày và 74,7% số HS được học hai buổi/ngày. Trong đó, các quận, huyện 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Cần Giờ, Nhà Bè có 100% số lớp, số HS được học hai buổi/ngày.

Nhờ thực hiện mô hình trên, quận Gò Vấp có 100% HS bậc THCS học hai buổi/ngày. Còn ở bậc tiểu học, mô hình này mới triển khai ở lớp 4, 5 do HS lớp 1, 2, 3 còn nhỏ, khó thực hiện di chuyển hơn. Nhờ vậy, tỉ lệ học hai buổi/ngày ở bậc học này đã tăng lên gần 78%.

Tại quận Gò Vấp, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh là đơn vị đầu tiên thí điểm mô hình này. Bà Phan Thị Châu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có 52 lớp, hiện đã có 44 lớp học hai buổi/ngày, còn lại tám lớp học một buổi/ngày. “Nhờ thực hiện “lớp học động”, chúng tôi mới bố trí được 100% HS lớp 1, 2 học hai buổi/ngày. Muốn thực hiện được phải biết cách sắp xếp thời khóa biểu phù hợp sao cho đảm bảo sức khỏe của HS. Bên cạnh đó phải tuyên truyền để phụ huynh hiểu và chịu đồng hành cùng trường” - bà Châu nói thêm.

Nhiều giải pháp để giảm quá tải trường lớp

Bên cạnh mô hình “lớp học động” ở quận Gò Vấp, các địa phương khác cũng nghĩ ra nhiều giải pháp khác nhau để tăng tỉ lệ học hai buổi/ngày.

Có hơn 50.000 HS bậc tiểu học, huyện Bình Chánh đang gặp quá tải về trường lớp. Thời gian qua với sự tham mưu của Phòng GD&ĐT, huyện đã xây dựng được một số trường mới nhưng vẫn không thể đáp ứng chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 người dân.

“Tính đến thời điểm này, khó khăn lớn nhất đối với lớp 1, 2, 3 là vẫn thiếu phòng học cục bộ, không đảm bảo việc dạy hai buổi/ngày 100% theo chương trình 2018. Do đó, Phòng GD&ĐT chỉ đạo thực hiện chương trình sáu buổi/tuần để phần nào đáp ứng, giảm bớt thiệt thòi khi HS không được học hai buổi/ngày” - bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, chia sẻ.

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp là trường đầu tiên thí điểm “lớp học động”. bẢnh: NTCC
Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp là trường đầu tiên thí điểm “lớp học động”. bẢnh: NTCC

Bà Mỹ Châu cũng cho biết sắp tới để khắc phục tình trạng trên, nếu không có quỹ đất, không có quy hoạch xây trường thì huyện Bình Chánh sẽ xây thêm tầng để tăng phòng học.

Bà Lê Thị Xinh, Phó phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, cũng cho biết tăng dân số cơ học là áp lực lớn của TP. Do đó để đáp ứng học hai buổi/ngày, nhiều trường ở các phường đông dân như Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước... phải triển khai học cả thứ Bảy, hay tận dụng một số phòng học trống để học buổi hai.

Dạy học trực tuyến phù hợp

Tại hội nghị sơ kết bậc tiểu học mới đây, đề cập đến kế hoạch năm học 2023, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết từ đây đến năm 2025, các trường xây dựng nội dung chương trình được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình tối thiểu 25%. Bên cạnh đó, xây dựng kho học liệu số về chương trình giáo dục phổ thông cho bậc tiểu học lớp 3, 4, 5.

Ông Phan Sỹ Đạt, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, nhận xét làm sao để phụ huynh hiểu và cùng đồng thuận trong việc dạy học trực tuyến tại thời điểm hiện nay rất quan trọng. Theo ông Đạt, đối với những quận có dân số đông và quá tải lớp học như quận Tân Phú có thể triển khai 95% chương trình dạy trực tiếp, còn 5% dạy trực tuyến.

Đồng tình, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng tùy theo từng địa phương, nhà trường có cách triển khai dạy trực tuyến phù hợp. Đây cũng là một trong những giải pháp để tăng thêm tỉ lệ HS học hai buổi/ngày.

Cách truy cập dữ liệu số về trường học ở TP.HCM

Vừa qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã xây dựng bản đồ số dữ liệu giáo dục của TP.HCM ở địa chỉ http//Gis.hcm.edu.vn. Bản đồ này được sử dụng vào hoạt động giáo dục và kiểm định chất lượng. Trong tương lai, nó sẽ dùng để phân luồng HS cũng như tuyển sinh.

Mỗi điểm trên bản đồ là một trường. Khi kích vào điểm trên, toàn bộ dữ liệu của trường học như cơ sở vật chất, đội ngũ, công tác kiểm định… sẽ xuất hiện. Bản đồ này được công khai phục vụ cho người dân TP.HCM.

Ông NGUYỄN MINH THIÊN HOÀNG,Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm