“TP.HCM và các tỉnh cần sớm ứng dụng, kết nối công nghệ thông tin với nhau để có thể điều hòa giao thông từ xa, tránh được ùn tắc trên các trục giao thông liên quan đến nhiều địa phương”. Chiều 23-9, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, phát biểu tại buổi họp với các sở GTVT Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai công tác kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hội nghị cũng xác định để TP.HCM phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu thì việc kết nối giao thông với các tỉnh trong vùng là cần thiết và là động lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả vùng và đất nước.
Tại hội nghị, đại diện Sở GTVT của các tỉnh cũng đề nghị giữa TP.HCM và các tỉnh cần sớm nghiên cứu, rà soát, khớp nối vận tải bộ-thủy giữa các địa phương và hướng lâu dài là xây dựng, kết nối đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia; kết nối giao thông thủy nội địa, cảng biển, cảng sông, cảng cạn (ICD).
Xe buýt giữa các tỉnh cần kết nối, phát triển hơn. Trong ảnh: Tuyến xe buýt Long An - Chợ Lớn chạy trên quốc lộ 1. Ảnh: LĐ
Đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho rằng cơ quan tư vấn cần đưa lộ trình đầu tư cho các công trình kết nối và Bộ GTVT cần mạnh dạn hơn trong việc giao thẩm quyền cho các địa phương làm các công trình giao thông liền kề. Đối với công trình nối kết các địa phương với nhau thì Bộ GTVT chủ trì trong việc xác định quy mô, hướng tuyến, phương thức đầu tư.
Theo ông Phan Minh Giàu, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, việc kết nối giao thông giữa các tỉnh, ngoài việc dựa trên các quốc lộ, đường cao tốc, tỉnh lộ thì cần chú trọng hơn tới các huyện nối các địa phương, thậm chí là các đường tắt. Việc này sẽ tránh cho áp lực giao thông dồn lên các trục chính và tuyến đi vào trung tâm của từng tỉnh cũng như TP.HCM.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đề nghị ngoài sử dụng ngân sách, huy động các nguồn vốn từ BT, BOT cho các dự án giao thông thì cần chú trọng khai thác nguồn lực từ đất đai. “Quỹ đất của TP.HCM, Long An, Tiền Giang dọc theo quốc lộ 50 còn rất lớn nên nếu được khai thác tốt thì ba địa phương sẽ có được quốc lộ 50 rộng rãi, hiện đại hơn” - ông Cường nói.
Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng kết luận rằng việc kết nối giao thông liên vùng bao gồm kết nối cứng (hạ tầng giao thông, điện lực, viễn thông, năng lượng, logictics…) và kết nối mềm (thể chế chính sách, khoa học công nghệ, hệ thống giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ…).
Mở rộng các tuyến đường hiện hữu Theo cơ quan tư vấn, ở hướng về Đồng Nai, TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng xa lộ Hà Nội, nâng cấp quốc lộ 1A và 1K, khai thác hiệu quả hơn nữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… Về hướng Long An sẽ mở rộng quốc lộ 1A, tiếp tục mở rộng quốc lộ 50. Về hướng Bình Dương sẽ sớm đầu tư, mở rộng quốc lộ 13, 14, cũng sớm làm ngay đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ở hướng kết nối với tỉnh Tây Ninh thì ngoài việc sớm mở rộng quốc lộ 22 thì cần triển khai sớm đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đồng thời xem xét kéo dài tới TP Tây Ninh và cửa khẩu Xa Mát… |