“Chi cục Thú y TP.HCM đã thông báo việc xử lý những trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các thương nhân kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP”. Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nói với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 28-12.
Ông Thảo cho biết thông báo nêu rõ từ ngày 20-12, các trường hợp tái phạm vi phạm có liên quan sử dụng chất cấm (salbutamol, clenbutarol, ractopamin, chất vàng ô…) trong chăn nuôi thì chủ lô hàng hoặc người đại diện sẽ bị phạt tiền theo Nghị định 119/2013. “Ngoài ra, chủ lô hàng hoặc người đại diện còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi” - ông Thảo nhấn mạnh.
Chỗ mạnh tay, nơi e dè
Ông Đậu Trọng Bằng, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho rằng Đồng Nai khó thể thực hiện biện pháp quyết liệt như TP.HCM. “Tính đến tháng 10-2015, tỉnh Đồng Nai có hơn 1,6 triệu con heo, hơn 16 triệu con gà, 4 triệu con cút, 100.000 con dê… (cung cấp chủ yếu cho TP.HCM). Số lượng heo, gà nhiễm chất cấm có thể lên tới hàng trăm ngàn con nên muốn tiêu hủy thì cần có lực lượng nhân lực, phương tiện lớn. Ngoài ra, chi phí tiêu hủy heo nhiễm chất cấm cũng rất lớn, trong khi kinh phí của ngành eo hẹp... Việc tiêu hủy ngay sau khi phát hiện gia súc, gia cầm nhiễm chất cấm như TP.HCM là không thực hiện được” - ông Bằng quả quyết.
Cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm một đàn heo nghi sử dụng chất cấm
ở Đồng Nai. Ảnh: TIẾN DŨNG
Một trường hợp tiêu hủy heo nhiễm bệnh ở Đồng Nai. Ảnh minh họa: TIẾN DŨNG
Ông Phan Ngọc Châu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, cũng cẩn trọng: “Tỉnh Long An vẫn lưu giữ gia súc, gia cầm 3-15 ngày để kiểm tra lại. Việc buộc chủ lô hàng hoặc người đại diện tiêu hủy ngay thì phải xem lại về căn cứ pháp lý, nếu không sẽ bị phản ứng, kiện tụng”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, cho biết Tiền Giang vẫn giữ lại 3-15 ngày chứ không tiêu hủy ngay. Các cơ sở giết mổ ở Tiền Giang có quy mô nhỏ lẻ, khi xét nghiệm phải gửi đến TP.HCM nên việc tiêu hủy ngay gia súc, gia cầm sẽ gặp nhiều khó khăn, không như TP.HCM có thuận lợi là các cơ sở giết mổ tập trung, dễ dàng thực hiện. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tham khảo biện pháp của TP.HCM, nếu họ áp dụng thành công và việc này phù hợp với địa phương thì chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh áp dụng. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, chứ không thể để mặc dân ăn uống không đảm bảo” - bà Mến khẳng định.
Kiến nghị áp dụng thống nhất
Ông Phan Xuân Thảo cho biết theo Thông tư 57/2012 của Bộ NN&PTNT, việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các chất cấm trong chăn nuôi có quy định ngoài việc xử phạt hành chính, các cá nhân, cơ sở chăn nuôi vi phạm còn phải ngừng ngay việc vi phạm, đến khi heo, gà không còn chất cấm thì mới được xuất bán. Nếu là cơ sở giết mổ cũng được phép nuôi nhốt các loại vật nuôi (từ 3 đến 15 ngày) để “thải hết” chất cấm mới được giết mổ, bán.
Tuy vậy, Điều 13 Nghị định 119/2013 quy định tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. “Theo nghị định này, chủ lô hàng hoặc người đại diện tái phạm quy định sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt và còn bị buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật chứa chất cấm. Họ cũng phải chịu chi phí tiêu hủy” - ông Thảo nói.
Như vậy, giữa Thông tư 57/2012 và Nghị định 119/2013 không đồng nhất. Theo quy định, trường hợp hai văn bản này mâu thuẫn nhau thì phải áp dụng quy định của văn bản cấp trên (là Nghị định 119/2013). Tuy nhiên, ông Thảo cho biết sự bất nhất giữa hai văn bản này đã gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng. “Đây cũng là lý do UBND TP đã đề nghị Bộ NN&PTNT điều chỉnh quy định, áp dụng hình thức buộc tiêu hủy đối với các trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm, thay vì lưu giữ 3-15 ngày như hiện nay” - ông Thảo nhấn mạnh.
- Tính đến tháng 10-2015, Đồng Nai phát hiện 29/209 mẫu (13,88%) dương tính với chất tạo nạc salbutamol. - Tỉ lệ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tương đối cao do thương lái mua heo nhiễm chất cấm giá cao so với heo không có chất cấm. Trong khi đó, theo Nghị định 119/2013 mức phạt các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm chỉ rất thấp (từ 10 triệu đến 20 triệu đồng) so với lợi nhuận mang lại từ việc sử dụng chất tạo nạc. Ngoài ra, việc quản lý chất salbutamol chưa tốt. Theo quy định hiện hành, người nuôi 1.000 con nhiễm chất cấm cũng bị phạt như người nuôi 100 con thì không hợp lý. Do vậy, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất sửa đổi quy định theo hướng tăng mức xử phạt lên gấp đôi và “đếm đầu” gia súc, gia cầm nhiễm chất cấm để phạt. Nếu đã thành phẩm thì phải dựa theo kg nhiễm chất cấm để phạt. Trường hợp sử dụng chất cấm ở ngưỡng cao thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, theo Thông tư 57/2012, các trường hợp có chất cấm dưới ngưỡng sẽ không bị phạt. Đây là quy định khiến người dân lợi dụng để sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Do vậy, Sở NN&PTNT cũng kiến nghị sửa đổi, có quy định cấm hẳn việc sử dụng chất cấm và hễ cứ phát hiện có chất cấm là phạt ngay. Ông ĐẬU TRỌNG BẰNG, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Lâu nay việc tiêu hủy gia súc, gia cầm nhiễm chất cấm tương đối vất vả. Cụ thể, heo phải chích điện cho chết rồi xả từng mảnh mới cho vào lò đốt. Lực lượng chức năng còn phải chốt thường xuyên đề phòng tẩu tán gia súc, gia cầm nhiễm chất cấm và có nguy cơ đối mặt với phản ứng của chủ hàng. Ông PHAN XUÂN THẢO, |