TP.HCM: Số đơn vị tư vấn, thẩm định giá đủ năng lực rất ít

(PLO)- Trên thực tế, số đơn vị đủ năng lực để tư vấn, thẩm định giá các dự án đầu tư công chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có tình trạng dễ thì làm khó thì từ chối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-6, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đã chủ trì buổi giám sát của HĐND TP về việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đối với UBND TP.

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: HÀ THƯ

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: HÀ THƯ

Đơn vị tư vấn đủ năng lực đếm trên đầu ngón tay

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu HĐND TP cho biết có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công, nhưng nổi lên là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB).

Theo ĐB Trần Văn Bảy, trên địa bàn TP, số doanh nghiệp có chức năng tư vấn, thẩm định giá rất hùng hậu nhưng đó là trên giấy tờ. Thực tế, số đơn vị đủ năng lực, điều kiện để tư vấn, thẩm định giá chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí có tình trạng dễ thì làm khó thì từ chối. Nhiều trường hợp không thuê được đơn vị tư vấn, gây bế tắc.

ĐB Bảy nhìn nhận việc này có trách nhiệm của Sở TN&MT, nhưng các sở, ngành khác cũng phải có giải pháp cho vấn đề này vì bế tắc ở khâu tư vấn, thẩm định giá sẽ khiến những hoạt động sau gặp đình trệ.

ĐB Trần Văn Bảy phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: HÀ THƯ

ĐB Trần Văn Bảy phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: HÀ THƯ

ĐB Bảy cho rằng sở, ngành cần tham mưu UBND TP nghiên cứu, đề xuất cơ chế thành lập các đơn vị tư vấn thẩm định giá của nhà nước.

ĐB Trần Văn Bảy cũng đề cập đến hoạt động của Ban BTGPMB. Theo ông, hiện cơ cấu tổ chức, biên chế, chính sách tiền lương thu nhập, đào tạo bồi dưỡng không đồng đều.

“Nếu không kiện toàn, không củng cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng” - ĐB Bảy nói.

Ông cho hay nhiều địa phương thành lập ban này với lực lượng hùng hậu, nhưng sau đó số dự án giảm xuống thì “anh em đi hết, nhiều nơi cũng không có tiền để trả lương”, do đó khi có dự án thì không có người làm. Nhiều quận trung tâm không có dự án, thành ra nơi không có việc, nơi không có người làm.

ĐB Bảy đề nghị cần phải kiện toàn ngay Ban BTGPMB để có nhân sự thực hiện các dự án quan trọng.

ĐB Đỗ Thị Minh Quân cho rằng khó khăn lớn nhất của đầu tư công là BTGPMB, nhất là các dự án có quy mô lớn. Bà đề nghị HĐND cần có giám sát chuyên đề về công tác này, đánh giá chính xác năng lực của các đơn vị và có biện pháp chế tài đối với các nhà thầu bỏ ngang việc thực hiện dự án.

Chậm quyết toán ảnh hưởng tiến độ giải ngân

ĐB Nguyễn Văn Đạt cho rằng cần có giải pháp để không lãng phí, sử dụng hiệu quả đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ĐB Đạt, giai đoạn này có 111 dự án có nguy cơ chậm tiến độ và không hoàn thành, phân bổ vốn thấp và cần bố trí thêm khoảng 36.000 tỉ để đảm bảo đạt được tiến độ.

ĐB Đạt đặt vấn đề trách nhiệm của UBND TP trong chỉ đạo để giải quyết nhóm này, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, không lãng phí đầu tư công.

ĐB Đạt cũng nhìn nhận công tác quyết toán các dự án hoàn thành đạt kết quả thấp trong khi giá trị quyết toán dự án hoàn thành là kết quả đầu ra của dự án.

“Việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán giúp chúng ta xác định toàn bộ chi phí hợp pháp đã thực hiện trong quá trình đầu tư rất quan trọng nhưng chúng ta lại chậm” - ĐB Đạt nói.

Theo ĐB Đạt, trong hai năm, có gần 200 dự án vi phạm quyết toán cũng đặt ra trách nhiệm của UBND TP trong việc chỉ đạo các sở, ngành và chủ đầu tư cùng phối hợp.

Theo ông, việc chậm quyết toán dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản, chậm tiến độ giải ngân đầu tư công và chậm hạch toán, theo dõi, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản hình thành sau đầu tư. “Chúng ta phải xử lý các đơn vị vi phạm quyết toán” - ĐB Đạt đề nghị.

Cùng ý kiến vấn đề này, ĐB Cao Thanh Bình cho rằng có những dự án lớn đã đưa vào vận hành, sử dụng nhiều năm nhưng việc thanh quyết toán chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng nhiều vấn đề.

Theo ông, có nhiều dự án phải chuyển tiếp giai đoạn, cần được tổng hợp chặt chẽ, tránh lãng phí, không để tình trạng có dự án đang triển khai giai đoạn trước nhưng không được chuyển tiếp vào giai đoạn sau.

Báo cáo với HĐND TP.HCM, ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, cho biết HĐND TP đã thông qua tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 142.557 tỉ đồng, đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn với tổng số vốn là 139.981 tỉ đồng.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, báo cáo với HĐND TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, báo cáo với HĐND TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TP phân bổ, giao tổng số vốn là 138.120 tỉ đồng, trong đó riêng năm 2023 giao 68.490 tỉ đồng.

Về giải ngân đầu tư công, TP giải ngân 19.721 tỉ đồng, đạt 61% vào năm 2021, giải ngân 26.635 tỉ đồng, đạt 71,3% vào năm 2022, năm 2023, tính đến 31-5, TP giải ngân 9.230 tỉ đồng, đạt 13,5%.

Việc chưa thể đạt được tỉ lệ giải ngân như kỳ vọng do nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó năm 2021 và năm 2022, chủ yếu do tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn ODA chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân chung của TP.

Còn các tháng đầu năm 2023, nhiều dự án đã phát sinh khối lượng thi công trên công trường, tuy nhiên, phải đợi đến điểm dừng kỹ thuật hoặc hoàn thành các hạng mục thành phần thì mới có hồ sơ nộp cho Kho bạc nhà nước để được giải ngân vốn. Do đó, công tác giải ngân kế hoạch năm 2023 chủ yếu mới phát sinh tính từ tháng 2-2023.

Ngoài ra, một số dự án trọng điểm, vốn lớn như dự án Vành đai 3, dự án Nạo vét Rạch Xuyên tâm đang trong giai đoạn thực hiện lập dự án để trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư hoặc đang trong quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án nên chưa phát sinh khối lượng giải ngân vốn….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm