Ngày 24-2, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội xuân Đinh Dậu 2017. Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã chỉ ra nhiều tồn tại của lễ hội.
Công tác kiểm tra có vấn đề
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT&DL, đánh giá một số địa phương còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Nhiều nơi vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm như chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại hội phết xã Hiền Quan (Phú Thọ); lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc, ngả nón xin tiền tại hội Lim (Bắc Ninh)...
Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội như báo chí đã phản ánh.
Giám đốc Sở VH&TT TP Hà Nội Tô Văn Động cho rằng công tác kiểm tra lễ hội hiện nay có vấn đề.
“Năm nào cũng tổ chức, năm nào cũng chấn chỉnh nhưng nó vẫn tồn tại. Công tác thanh tra, kiểm tra năm nào cũng diễn ra. Nhiều đoàn thanh tra lắm nhưng vẫn chỉ khen là nhiều. Có năm, anh em báo cáo có đoàn thanh tra cũng to lắm về thanh tra, xong làm lễ dâng hương, khen công tác tổ chức tốt. Đến lượt chúng tôi về chê, họ bảo thanh tra khen tốt, sao chúng tôi chê!” - ông Động nói.
Trả lời ông Động, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng cần chỉ rõ đích danh đoàn nào đi kiểm tra mà chỉ dâng hương rồi toàn khen. “Có thể cuộc họp này anh Động còn ngại nhắc đích danh, theo tôi là cứ chỉ luôn” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Việc tranh cướp, giẫm đạp nhau thường xuyên xảy ra tại các lễ hội gây phản cảm. Ảnh: PHI HÙNG
Thay chọi trâu bằng thi trâu có đối kháng
Báo cáo về việc Thanh tra Bộ yêu cầu dừng chọi trâu ở Yên Sơn (Tuyên Quang) nhưng tỉnh này vẫn tiếp tục tổ chức, ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tuyên Quang, cho biết dừng lễ hội là không thể vì tâm lý đám đông bị ảnh hưởng.
“Hai con trâu chọi nhau về bản chất vẫn như thế, có chỗ chọi trâu được vinh danh, có chỗ không cho. Đã cấm thì phải cấm triệt để, chỗ này cấm chỗ kia lại được phép, chúng tôi không biết giải thích với bà con ra sao” - ông Phan thắc mắc.
Ông Phan cũng kiến nghị lễ hội nào cũng có tính thiêng nhưng dân cứ phải đợi khách mời làm lễ xong mới được vào, dẫn đến chờ lâu nên xô đẩy. Vì vậy cần phải giải quyết vấn đề khách mời.
Cũng về vấn đề này, đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh kiến nghị tỉnh này từng được “bật đèn xanh” để tổ chức “Hội thi trâu khỏe có đối kháng”, do vậy việc cấm chọi trâu hay không cấm cần được xem xét nghiêm túc.
GS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng chọi trâu có truyền thống thì phải giữ cũng như việc khai ấn ở đền Trần (Nam Định); còn việc tự ý tổ chức phát ấn như ở Quảng Ninh, Nghệ An… là phải xử lý. Bởi nước ta có đến 8.000 lễ hội lớn nhỏ, nếu không xử lý triệt để, tiêu cực sẽ phát sinh.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu điều gì phản cảm của năm ngoái, năm nay phải khắc phục, còn khắc phục triệt để thì cần thời gian. Cần vận động, thuyết phục, tuyên truyền để nhân dân thay đổi trong nhận thức. Không quản lý lễ hội bằng mệnh lệnh hành chính.
Cướp lộc, chẳng thánh thần nào phù hộ Nói về hiện tượng tranh cướp phản cảm xảy ra tại các lễ hội, GS Đặng Văn Bài cho rằng đi lễ mà cướp lộc, giẫm đạp vào người khác để lấy được lộc, chẳng thánh thần nào phù hộ. Những tiêu cực tại lễ hội vừa qua phản ánh hiện tượng suy thoái về văn hóa, đạo đức. Không thể 1-2 năm có thể sửa được hiện tượng tranh cướp, giành giật tại lễ hội mà cần xây dựng nếp sống văn hóa mới từ công sở, gia đình, nhà trường… mà lễ hội chỉ là bề nổi. |