Mỗi năm, khi con tôi nhận được phong bao đỏ, ánh mắt háo hức của con luôn khiến tôi mỉm cười. Nhưng sau đó, tôi tạm "giữ hộ" số tiền ấy. Không phải tôi không tin con, mà chỉ lo con chưa biết cách quản lý tiền bạc hay dễ bị cám dỗ bởi những thứ không cần thiết. Tuy nhiên, ngày nay các bé vô cùng có chính kiến, đôi khi đặt câu hỏi: Tiền lì xì của con vì sao ba mẹ lại giữ? - Vậy xin hỏi theo quy định, trẻ bao nhiêu tuổi được tự giữ tiền lì xì?
Bạn đọc Nguyễn Thu (TP.HCM)
Luật sư Phùng Thị Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ được phép giữ tiền lì xì của con trong vai trò quản lý tài sản. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 75 cùng luật này cũng quy định tiền lì xì là tài sản riêng của con, vì đây là tài sản do con được tặng cho riêng.
Cha mẹ được giữ tiền lì xì của con để quản lý nhưng không được sử dụng trái mục đích mà người cho đã định. Việc này cần căn cứ vào độ tuổi và năng lực hành vi dân sự của con:
- Con dưới 15 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự: Cha mẹ có quyền giữ và quản lý tiền lì xì.
- Con từ đủ 15 tuổi trở lên: Cha mẹ chỉ được giữ tiền khi con nhờ quản lý hộ.
- Khi con đủ 15 tuổi hoặc khôi phục năng lực hành vi dân sự: Cha mẹ phải trả lại tiền lì xì cho con, trừ khi có thỏa thuận khác giữa cha mẹ và con.
Do đó, khi con từ đủ 15 tuổi trở lên, có thể tự giữ tiền lì xì của mình. Ngoài ra, cha mẹ không được giữ tiền lì xì của con trong các trường hợp:
- Con thuộc đối tượng do người khác giám hộ.
- Người lì xì chỉ định người khác giữ tiền của con.
Nếu cha mẹ cố tình không trao lại tiền lì xì cho con khi con đã đủ quyền quản lý tài sản riêng, hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng vì vi phạm quy định về bạo lực kinh tế (theo khoản 1, Điều 58, Nghị định 144/2021).
Dù vậy, thực tế việc xử phạt là hiếm gặp, bởi phần lớn cha mẹ đều dùng số tiền này vì lợi ích của con. Điều này cho thấy, hơn cả các quy định pháp lý, sự thấu hiểu và đồng thuận giữa cha mẹ và con cái chính là yếu tố quan trọng nhất để xử lý vấn đề này.