Một ngày đầu năm mới, tôi may mắn được Hoàng Thị Phương, cô gái người Dao Tuyển đang là cộng tác viên của Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai mời lên thăm nhà cô ở thôn Ải Dõng, thị trấn nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, nhân thể dự đám cưới của một bạn trẻ người Dao Tuyển trong thôn. Ở Lào Cai, Bảo Thắng là nơi người Dao Tuyển cư trú đông nhất.
Phương nói sáng mai nhà trai mới qua làm lễ đón dâu nhưng từ chiều nay nhà gái đã rất nhộn nhịp với đủ thứ việc phải chuẩn bị. Nếu tôi lên sớm, chắc chắn sẽ được thấy nhiều chuyện thú vị và biết đâu sẽ được nghe những bài ca hôn lễ hát xuyên suốt các nghi thức cưới hỏi độc đáo của người Dao Tuyển…
Thầy cúng Bàn Tiến Hùng và những bản sách cổ trăm năm tuổi của người Dao Tuyển.
Hát 14 chữ thôi mà lâu cả chục phút
Quá 1 giờ trưa tôi có mặt ở thành phố Lào Cai. Tâm, em trai của Phương đã đợi tôi ở bến xe Phố Mới. Trước sự ngạc nhiên của tôi, thành phố Lào Cai đầy nắng chan hòa và ngay lập tức tôi phải cởi bỏ khăn quàng cổ và cái áo phao chần bông mới mua nhằm chuẩn bị đón cái lạnh đẫm sương của mùa đông trên núi.
Men theo quốc lộ 70, qua mỏ đá Toòng Già chừng vài cây số, chúng tôi về nhà Phương ở thôn Ải Dõng. Nhà trong thôn nằm rải rác trên những vệ đồi. Tâm chỉ vào một nhà rạp màu đỏ với rèm thắt điệu đà không khác gì những nhà rạp dựng khi tổ chức đám cưới ở những quận vùng ven Hà Nội, bảo đó là nơi sẽ diễn ra đám cưới của cô bé hàng xóm. Từ sáng, gần như cả thôn đã tập trung ở đó để phụ giúp việc nấu nướng và các chuẩn bị khác cho đám cưới ngày mai. Tôi liếc qua tấm phông in tên cô dâu, chú rể - Thanh Bình và Ngọc Sơn, hai cái tên hiện đại gắn với hai gương mặt trẻ trung của hai bạn trẻ người Dao Tuyển trong veston đen và soire trắng - có vẻ như văn hóa thành thị đã lan đến đây nhanh hơn tôi tưởng.
Thấy tôi muốn tìm hiểu về những bài ca hôn lễ sẽ được hát trong đám cưới ngày mai, Tâm bảo: “Nếu may mắn chị sẽ được nghe vài đoạn, vì bây giờ chỉ còn các thầy cúng và mấy người lớn tuổi như bố mẹ em là hát được, chứ cỡ tụi em thì chỉ biết bù tiền để bỏ qua những phần hát đó trong lễ cưới thôi…”.
Tâm dẫn tôi qua nhà thầy cúng Bàn Tiến Hùng. Cậu bảo thầy cúng là một chức danh rất được tôn trọng trong các bản làng của người Dao Tuyển, vì đó là người có học thức, đọc được các sách cổ, nắm vững nhiều nghi thức lễ lạt và kiến thức chữa trị bệnh tật lẫn chăm sóc mùa màng, ngoài ra còn phải biết múa, hát và thuộc nhiều những bài hát nghi lễ nữa. Ngoài những lúc được mời đi cúng và được nhận một phần lễ vật cúng thay cho tiền công, hầu hết các thầy cúng sống cuộc đời lao động bình dị như mọi người trong bản.
Cô Hoàng Thị Xuân, vợ thầy cúng Bàn Tiến Hùng, thả ôm cỏ chít to đùng vừa cắt về làm thức ăn cho trâu đang vác trên vai xuống vệ đường và cười bẽn lẽn khi nghe mục đích của tôi. Suýt nữa tôi đã không nhận ra là cô đã bắt đầu hát cho tôi nghe từ lúc nào. Những âm hát đầu tiên phát ra khi cô gần như ngậm miệng, âm a trong cổ họng. Khúc dạo đầu là một đoạn ngân rất dài “Hư ư …………… Hư ư …………mà Hồ ô ………….. hồ…” rồi mới lẩy đến từng nhóm chữ nhỏ trong câu hát, sau mỗi chữ lại là những đoạn ngâm nga ngăn ngắn.
Những bài ca hôn lễ của người Dao Tuyển thường hát hai câu một, mỗi câu bảy chữ, câu đầu sẽ ngắt theo nhịp 2/5, câu sau theo nhịp 4/3. Mỗi đoạn hát như vậy luôn tuân theo lối Mở - Tiếp diễn - Đóng. Phần Mở chính là những hư từ được ngân nga có tác dụng đưa hơi cho điệu hát, làm cầu nối cho phần Tiếp diễn - nội dung câu hát. Phần Đóng không khác gì phần Mở nhưng lãnh nhiệm vụ kết thúc câu hát. Quả thật, nếu là người sốt ruột chắc không thể nào cảm hết được vẻ đẹp mộc mạc trong thể loại dân ca một làn điệu này, vì chỉ hát 14 chữ thôi mà cũng lâu cả chục phút.
Cô Xuân nhấc ôm cỏ chít lên vai rồi leo lên con dốc ngắn về nhà, hẹn tôi chiều muộn hẵng qua chơi để được nghe thầy cúng Bàn Tiến Hùng kể chuyện.
Ải thôn dã chiến – nếu không đáp trả được những câu hát đố ở ải này của dân thôn, nhà trai sẽ phải bù tiền để ải được dỡ đi, kịp giờ vào làm lễ.
Phù dâu lớn (một phụ nữ đã lập gia đình, có cả con trai lẫn con gái, gia cảnh ấm êm, sung túc – để lấy may cho cô dâu mới) và phù dâu bé (chưa lập gia đình, xinh xắn, nhanh nhẹn phụ hát đưa giọng cho phù dâu lớn trong những màn hát đối đáp) làm đẹp bằng các loại trang sức bạc, khăn đội đầu có những dải tua ngũ sắc và đặc biệt là sáu thắt lưng vải màu sắc tươi sáng.
Cô Hoàng Thị Xuân hát những bài ca hôn lễ xưa của người Dao Tuyển.
Thư hồng trà định muôn thưở trước
Thời tiết thay đổi khá nhanh. Chỉ trong nửa tiếng trước khi trời sập tối, sương đã xuống dày mịt, trắng đục và ẩm ướt. Khăn quàng cổ, áo phao chần bông – những thứ đã cởi ra lúc trưa, giờ mặc hết vào người mà tôi vẫn còn cảm thấy lạnh.
Thầy cúng Bàn Tiến Hùng cho tôi xem những cuốn sách cổ chép tay - bảo vật của dòng họ mà ông đang lưu giữ. Nhiều tuổi nhất là cuốn Nam Ninh, chép năm Canh Thân 1920 - một cuốn sách dạy các nghi thức giải hạn, cúng giỗ, ruột là giấy dó, bìa làm từ vỏ cây sui. Cuốn Giáo khổ giáo nạn “trẻ” hơn một chút – chép năm Kỷ Tị 1929… Thầy Hùng bảo những cuốn sách như thế này chỉ truyền trong dòng họ, dù người được truyền có thể không còn sử dụng được nó như cha ông ngày trước. Thầy Hùng bảo ông không có động lực để chép lại, trao truyền cho con cháu nữa vì chữ cổ khó học quá, bọn trẻ bây giờ không chịu học. Đứng nghe cho hết một đôi câu hát 14 chữ thôi mà chúng còn bảo không có thời gian…
Bên bếp lửa đốt bằng những nhành quế khô nhặt trên đồi, tôi và con mèo nhỏ cùng chia nhau một góc ấm áp và cùng vểnh tai ngồi nghe cô Xuân vợ thầy Hùng hát:
Trời vận giao gặp ngày tốt đến/ Thư đêm luân chuyển định âm dương/ Thoạt nghe gió chuyển hồng điệp lại / Cứ ngỡ rằng chưa lại đến rồi/ Năm, tháng, thì giờ hôn lễ tới/ Ngô đồng sinh quả định tiền duyên…
Vừa nghe cô Xuân cất giọng ngâm nga những chùm âm mở điệu, bất giác thầy Hùng ngưng câu chuyện đang kể với tôi và hòa giọng theo. Trong không gian đó, lối hát không hề có nhạc đệm, vận hành chủ yếu trong thang âm cơ bản Là – Đô – Rê của người Dao Tuyển cho tôi cảm giác mình đang được thưởng thức một chương trình acappella độc đáo ở trên núi.
Thầy Hùng giải nghĩa, những bài ca hát trong hôn lễ của người Dao Tuyển ôm trong mình những sự tích xưa về thời đất trời tạo lập, những kiến thức ngàn năm ông cha hun đúc và còn kể bày cho cháu con các nghi lễ đám cưới, thêm những lời rút ruột về đạo nghĩa vợ chồng, đối nhân xử thế. Như mấy câu hát trên đây là nhắc đến lễ trình hồng thư trong đám cưới.
Cứ vậy, bên bếp lửa hồng, tôi học được thêm nhiều về văn hóa độc đáo của người Dao Tuyển qua một cách dạy vô cùng thú vị - chiểu theo những câu hát của cô Xuân trải lần lượt theo trình tự nghi thức của những hôn lễ xưa, thầy Hùng cắt nghĩa, giảng giải cho tôi về nội dung câu hát và minh họa rõ hơn bằng những câu chuyện kể vô cùng sinh động.
Sáu nghi thức trong lễ rước dâu
Sớm hôm sau, lúc cô Mẩy – mẹ của Phương, chuẩn bị đi sang nhà cô dâu nướng lá chuối để gói xôi cùng các bà, các chị trong thôn, tôi hãy còn nằm nướng dưới lớp chăn bông nặng trịch. Ngoài trời, sương vẫn còn dày đặc.
Cô Mẩy bảo đám cưới của người Dao Tuyển nay đã được giản lược đi nhiều, nhưng sáu nghi thức trong lễ rước dâu: nghỉ trạm, vượt ải thôn, trình hồng thư, trình hồng lễ, vượt ải bố mẹ và hợp duyên thì vẫn còn đó, dù cái phần bị giản lược đi trong các nghi thức chính là phần mà ngày xưa những người dự cưới trông đợi nhất: những bài ca hôn lễ mà tôi đã được nghe phần nào bên nhà thầy cúng Bàn Tiến Hùng tối qua.
Cô Mẩy nói tôi có thể yên tâm ngủ nướng chờ cho sương tan bớt rồi hẵng qua, sương đặc thế này, người chưa quen rất dễ ốm… Nhà trai ở Bản Phiệt, cách đây chừng hai chục cây số. Trước khi đến nhà nghỉ trạm, nhà trai sẽ gọi điện thoại di động cho bố mẹ cô dâu để thông báo. Nhà nghỉ trạm được chọn nằm ngay bên cạnh nhà gái, thế nên chắc chắn tôi sẽ không bỏ lỡ bất cứ nghi thức nào trong lễ rước dâu đâu. Và hãy yên tâm là dù có chưng hình veston và soire trên phông cưới, cô dâu chú rể người Dao Tuyển vẫn thích khoác lên người trang phục truyền thống trong các nghi thức rước dâu để cáo với ông bà.
Món nằm khâu đang được chưng cách thủy - món ăn đặc biệt xếp khum tròn như một quả đồi tròn trịa tượng trưng cho hạnh phúc viên mãn
Cô Mẩy còn bảo thương tôi lặn lội bao nhiêu cây số đến đây chỉ với mong muốn được nghe những bài ca hôn lễ ngày xưa, cô và mấy bà, mấy bác trong thôn sẽ nhanh tay hơn trong bếp để ra chăng mấy dải vải điều dựng một ải thôn dã chiến và hát mấy đôi câu để tôi nghe cho thỏa, chứ không nhận tiền bù từ phía nhà trai để sớm dỡ ải đi.
Những lời cô Mẩy nói khiến tôi đỏ bừng mặt. Vì có việc gấp, tối qua tôi đã phải điện thoại đặt vé với nhà xe để vội trở về với chốn thành thị của tôi rồi. Biết bao giờ tôi mới có dịp trở lại nơi này để được vùi đầu bên bếp lửa cùng chú mèo nhỏ rồi nghe những giai điệu của bài ca hôn lễ, giao duyên, để được nghe kể những câu chuyện làm mối, ăn hỏi, rước dâu. Tôi lặng lẽ nói lời xin lỗi.
Bước chân cô Mẩy dần xa, nhưng hình như tôi vẫn nghe tiếng cô thở dài trong màn sương lạnh toát…
Lễ trình hồng thư Xưa, trước lễ trình hồng thư nhà trai phải chuẩn bị lễ vật đưa thư gồm lợn, gà và rượu để gánh sang nhà gái. Lợn đưa thư phải là một con lợn đực đen tuyền từ đầu đến chân, nặng trên 15 kg để biểu thị khả năng tạo ra con đàn cháu đống của nhà trai. Người Dao Tuyển không kỵ màu đen mà chỉ kỵ màu trắng trong lễ cưới, thế nên rượu đưa thư cũng phải nhuộm màu bằng trái sim tím hoặc những hạt nếp cẩm, còn gà đưa thư bắt buộc phải là một đôi gà trống, mái đẹp mã. Hồng thư viết trên mảnh giấy đỏ rộng chừng nửa tấc, dài nửa mét. Nội dung thông báo ngày giờ làm lễ xin dâu, nhưng bắt buộc phải viết chẵn chữ. 12 đôi chữ là vừa vặn nhất. 11, 13, 15 đôi chữ gọi là chẵn nhỏ. 12, 14, 16 đôi chữ gọi là chẵn to, thế nên thầy cúng phải cân nhắc chữ nghĩa thật cẩn thận để hồng thư kết vào đúng cặp chữ đẹp nhằm mang lại may mắn cho cả hai nhà… |