Taekwondo nữ Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn nhưng từ tấm HC bạc Olympic của Trần Hiếu Ngân đến nay vẫn chưa có thành tích tương tự nào. Một trong những lý do được các nhà chuyên môn chỉ ra là thiếu kinh phí để có những chuyến tập huấn, cọ xát chất lượng và không có thầy giỏi thực sự để uốn nắn từ khi còn ở lứa tuổi 14-16.
Kinh phí của thể thao Việt Nam nói chung còn hạn hẹp nên chỉ có thể đầu tư cho một số niềm hy vọng ở những giải lớn và cũng chỉ trong vài tháng trước giải nên hiệu quả thường không cao. Ngay trong quá trình chuẩn bị cho Olympic 2012, hai VĐV Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh cũng được Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) hỗ trợ để tập huấn liên tục ở Hàn Quốc, Italy, Pháp, Anh… nhưng họ vẫn bị loại sớm. Các nhà chuyên môn đều cho rằng việc tập trung đầu tư khi quá cận ngày thi đấu khó mang lại kết quả cao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Lâm Quang Thành (giữa) ký thỏa thuận hợp tác đầu tư cho taekwondo nữ Việt Nam. Ảnh: TTVH.
Rút kinh nghiệm từ thất bại trong quá trình chuẩn bị cho Olympic 2012, Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cùng Tập đoàn CJ đã ngồi lại bàn bạc giải pháp và thống nhất sẽ tiến hành đầu tư ngay từ năm nay cho các VĐV nữ tiềm năng nhằm hướng đến những sân chơi lớn như Asian Games và Olympic. Trước mắt, phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ trong việc tuyển chọn các VĐV tài năng rồi cung cấp HLV giỏi để uốn nắn cho các VĐV này trước khi sàng lọc để chọn ra những nhân tố xuất sắc nhằm tiếp tục đầu tư cho đích nhắm Olympic 2016 và Asian Games 2019 ngay tại Việt Nam. Toàn bộ kinh phí trong quá trình huấn luyện và tập huấn của các VĐV này trong 6 năm tới sẽ do phía Hàn Quốc đài thọ.
Ngoài ra, các VĐV nữ cũng được treo thưởng lớn nếu đạt thành tích ở Olympic 2016 như: HC vàng được nhận 100.000 USD, HC bạc được nhận 50.000 USD, HC đồng được nhận 30.000 USD. Các VĐV nữ giành HC vàng Asian Games 2014 và 2019 cũng được treo thưởng mức 20.000 USD.
Theo Vy Khanh (VNE)