Trở về “Cổng gió” cùng người lính Hoàng Đức Chính

Vâng, anh làm thơ để ghi lại những ký ức đời lính với những hy sinh mất mát và hạnh phúc với làng quê. Đọc thơ anh chúng ta như trở về quê nhà với bao hoài niệm.

Trở về “Cổng gió” cùng người lính Hoàng Đức Chính ảnh 1

“Con đường không hẹn ước/ Ai đếm bước gió mưa/ Quăng áo phong trần lên ghế/ Võng êm say giấc hiên nhà”, bốn câu thơ được anh đề dẫn trang bìa 4 mạnh mẽ chất nghệ sĩ phong trần đời lính. Khác với kiểu nghệ sĩ của Thế Lữ “"Giũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”. Thơ Hoàng Đức Chính khí phách lắm là thế.

Chất lính trong anh vẫn là anh chàng nhà quê, ở đó có “Mẹ sống đâu chỉ vì cơm áo/ Cả một đời trăn trở với nắng mưa” (Sự thật). Người “Mẹ lính” đã hỏi con về đồng đội, người con hoảng sợ vì: “Đếm đồng đội của con trên quai ba-lô. Mẹ hỏi mấy đứa không về?Nén hương lay gió bàn thờ. Tay Mẹ vịn vào hồn người lính”. Đó, bi kịch của chiến tranh là thế. Nhưng “Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” (Nguyễn Mỹ) để ngay ngày Tết đã “Nhân danh làng/ Mồng Một Tết/ Vái Tổ tiên/ Lạy mẹ/ Trai làng ôm bộc phá lên đường!” (Nhân danh làng). Để sau những trận đánh, anh cùng đồng đội nhớ về Mẹ: “Bàn tay áp lồng ngực chuẩn bị xung phong. Phút chờ đợi người lính gọi cánh đồng mang tên Mẹ” (Miền nhớ). Nhớ về “Em đến, sau nụ hôn tôi nồng nàn đời thực” (Đời thực) và từ cái thuở: “Giếng nước chưa kịp khử hết mùi phèn/ Lòng ái ngại gót chân cô hàng xóm/ Gió heo may thao thức chao cánh võng/ Tiếng gà bộn bề nổi nhớ gốc đa”( Hương), ấy là nỗi nhớ không tên lại luôn thường trực trong người lính trẻ.

Hoàng Đức Chính lại nhớ: “Cánh đồng quê tôi, cánh đồng hiền từ/ Bạn thăm nhớ mang theo tiếng cười và con dao gọt táo/ Đồ mở sâm-banh có thể đúc từ vỏ viên đạn pháo/ Ta nâng ly rồi tính chuyện cấy cày” (Tiền vàng). Chuyện làng quê có cổng gió, lũy tre làng, bờ ao, giếng nước… vẫn là những hình ảnh xuyên suốt trong những tập thơ trước của Hoàng Đức Chính cũng như tập thơ này. Anh khuyên thế hệ sau: “Hạnh phúc không dành cho kẻ biếng lười/ Lúc nhận ra trái táo địa đàng chỉ là mồ người viết sách” (Đời thực). Anh đã trải nghiệm về sự đổi thay của làng quê nhưng cái gốc vẫn là đạo đức: “Già làng không sợ chết/ Chỉ sợ cái ác về hại trẻ con./ … Già làng có riêng điều ước:/ Lũ trẻ lớn lên không đánh đổi lương tâm lấy chiếc ghế bạc vàng” (Chiếc ghế). Anh lại nhớ lời mẹ dạy: “Mẹ không sợ tôi gục xuống trước đồng tiền/ Nhưng lại sợ đồng tiền dẫn lối cho tội ác” (Sự thật).

Thay lời kết xin trích Lời giới thiệu“Hành trang người lính làm thơ” tập “Cổng gió” (NXB Hội Nhà văn, 2009), nhà thơ Thanh Tùng nhận định: “Tác giả Hoàng Đức Chính đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, từng chứng kiến và tham dự những trận đánh, đối diện với những hy sinh mất mát, khổ đau và hy vọng. Người lính cầm súng với tâm hồn đa cảm như anh đã âm thầm ghi nhận, phát hiện len lõi tận bề sâu cuộc chiến. Những tứ thơ bật lên giữa chiến trường sống động mà không dễ ai có được, giọng điệu thơ mới, bàng bạc khắc khoải nỗi nhớ quê hương”.

Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22-12-1944 – 22-12-2009), người lính già Hoàng Đức Chính ra mắt tập thơ “Cổng gió” rất ý nghĩa. PLO xin giới thiệu và xin gởi đến bạn đọc bài thơ Trường Sơn của anh.


Trường Sơn

Có người lính về làng
Giao nhà cho chị
Giao cánh đồng cho em
Đến chùa,
Nương tiếng chuông cửa Phật

Khói hương trầm thương ngôi mộ lạnh giữa rừng
Hạt cơm chay nhớ trận càn nhạt muối
Bát nước đục lòng con suối cạn
Tiểu đội chia nhau ngọt như nước giếng đình

Người lính đánh thức lòng mình
Khoác ba lô về Trường Sơn!

Nhà thơ Hoàng Đức Chính, quê: Phú Chử, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vốn là một cựu chiến binh, sau chiến tranh học đại học, đã từng làm thủy thủ. Hiện ở tại số 113, đường 20, Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Điện thoại: (08) 3726 6788 - 3 511 2224; 0903 374 787 - Email: hoangchinh76@gmail.com
Tác phẩm đã xuất bản: Hoa trong hầm vây lấn. Thơ. NXB Văn học, 2005; Hai phía cổng làng. Thơ. NXB Hội Nhà văn, 2007; Thời gian của đất. Thơ. NXB Văn học. 2008.

NGUYỄN TÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm