Trốn phố lên rừng tôi đi lễ hội Bà Chúa Thu Bồn rồi bon lên luôn Hòn Kẽm Đá Dừng. Mặc dù tôi là người gốc Quảng Nam nhưng những cung đường ít được biết đến.
Đoàn chúng tôi phần lớn người Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng để đến vùng Trung Phước, huyện Nông Sơn thì đúng là ai cũng được đi lần đầu.
Chúng tôi được anh phó chánh văn phòng của huyện dẫn đường, thật may mắn, trước đây anh là hiệu trưởng trường cấp hai ở huyện, người gốc Hội An bỏ phố thị lên vùng trung du này lập nghiệp đã hai mấy năm.
Đi với "thổ địa" thật an tâm, vừa tới chân cầu Nông Sơn chúng tôi đang phân vân giữa ngã ba đường thì anh đã bắt kịp và hướng dẫn chúng tôi quẹo vào con đường nhỏ phía tay trái, xuyên đường, vậy là đi xuống bến đò.
Mở ra trước mắt tôi là một bến đò nguyên sơ như từ thuở sinh ra đã vậy. Bãi cát cao dày cho tôi tưởng mình đang lạc vào đồi cát Mũi Né. Tôi tiếc những bãi cát như thế ở Bình Dương, Bình Minh, Thăng Bình nay đã mất, biến dạng đâu rồi.
Đón chúng tôi là bác lái đò kiêm chuyên gia khói lửa bếp núc và còn là một kho tàng thi phú, thật hấp dẫn. Anh này có thể kể vanh vách từng địa điểm, tên từng hòn đá mồ côi nhô ra từ phía hai bên bờ dòng sông. Chúng tôi lên thuyền và bắt đầu chuyến thăm thú Hòn Kẽm Đá Dừng.
Tôi chợt nghĩ có phải ghi viết hoa hết các chữ của địa danh hay chỉ nên là “Hòn Kẽm Đá Dừng” Bởi: Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng. Thương cha nhớ mẹ quá chừng... ấy bậu ơi.
Bởi đến Hòn Kẽm chỉ có thể đi bằng đường thủy để nhìn những vách đá dựng đứng xẻ dọc hai bên, tạo nên một dòng sông ở giữa. Nói theo tiếng Quảng xứ tôi là “dừng đá” dọc hai bờ khe nước và đến Hòn Kẽm thì cũng chỉ có thể “ngó lên” chăng.
Vách núi dựng cao và hẹp, thuyền được thả trôi xuôi dọc bờ nên chúng tôi không phải bị phân tâm vì tiếng động cơ của tàu như những chuyến phà bến sông khác. Ở đây chúng tôi thực sự hoàn toàn độc lập với thiên nhiên.
Cá dềnh
Một chiếc thuyền đánh cá nhỏ cập mạn tàu và giỏ cá đánh bắt được đã được chúng tôi trao đổi. Duy nhất một loại cá trên dòng sông xẻ dọc mùa này là cá dềnh.
Loại cá mà theo bác lái đò là lộc trời cho của người làng thôn Bình Yên. Từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng cá dềnh ngược dòng Thu Bồn về Hòn Kẽm Đá Dừng và bắt đầu mùa sinh sản.
Với lòng nước sâu, mát lạnh, cá dừng như loài cá hồi xứ nóng đã trao gửi vào đây nòi giống của riêng mình.
Bác lái đò cho tôi con cá đã chín tới nóng hổi trên chiếc lá chuối (ảnh), gần như cả bộ trứng đầy căng trong mình cá. Trứng cá béo và thịt cá thì ngọt, chỉ mỗi hơi xương dăm trên mình.
Người quê rất biết cách chế biến để tránh xương, trên cửa bến có một vài nhà chuyên nghề xay chả cá dềnh.
Cá làm sạch đầu đuôi, đánh vảy, bỏ vào cối xay mịn, tẩm ướp chút gia vị đơn giản gồm: hành, tỏi, tiêu, chút nước mắm, bột nêm, dùng cái muỗng xén từng miếng chả thả vào dầu nóng, chiên giòn.
Món chả cá sông tươi mới thơm ngọt, mặn mòi lắm. Chúng tôi còn được thưởng thức món đặc sản nhộng ong rừng, là những phần tổ ong non còn nguyên những con nhộng con trắng bóc như những chiếc bánh kẹp lá chuối và nướng, món ăn thật đặc biệt.
Khi thưởng thức thì mới biết bởi thật khó tả, vừa beo béo, vừa mặn (có tẩm muối ớt), vừa ngọt ngọt. Mặc nước trôi, thuyền trôi...
Một tình tiết lý thú trong câu chuyện của anh lái đò là bạn có thể thả bức thư từ đầu nguồn Thu Bồn để thư đến tay người tình tận cửa Đại Hội An. Minh chứng chuyện này là anh phó chánh văn phòng (đang dẫn đoàn chúng tôi đi) do đã từng tin vậy mà "vững tâm" ở vậy đến bây giờ...
Thả cho thuyền trôi xuôi sông dọc chiều dài Hòn Kẽm, chúng tôi nghe câu hò điệu lý cất lên từ bác lái đò. Ca từ đôi chút tếu táo bởi đã qua nhiều cuộc đẩy đưa cùng khách du thuyền.
Nghe nói bác lái đò được tuyển mộ vào trung tâm văn hóa thông tin của huyện mà chưa muốn đầu quân, bởi sông nước ngao du mới đủ sức chứa sức người ngang dọc như ông.
Lăng Bà Chúa Thu Bồn.
Rời Hòn Kẽm Đá Dừng chúng tôi đến Lăng Bà Chúa Thu Bồn, đúng ngày hội vía Bà (12-2 âm lịch). Ngày hội Bà Chúa năm nay chỉ nội bộ trong làng, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên hạn chế đông người nhất là khách thập phương. Chúng tôi thật may mắn đến đúng dịp lễ hội này.
Dòng sông Thu Bồn trước đền nếu đúng dịp lễ này những năm trước là những đoàn ghe đua nhộn nhịp, mỗi đoàn một sắc màu, người vui trên bến dưới thuyền đông phải biết.
Năm nay lễ hội các vị lão làng chỉ đến cúng kiến, đặt lễ, chúng tôi gần như là những vị khách duy nhất.
Cây hoa gạo ngay cổng đền cũng đã qua mùa rộ hoa, trên tán xa kia chỉ còn sót lại vài bông.
Sông Thu Bồn ngoài kia vẫn ôn hòa chảy, đành lỗi hẹn mùa sau - mùa sau cùng hoa gạo Thu Bồn.