Mới dọn về sống ở hẻm 71 đường Nguyễn Công Hoan (phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Hoa đã ngao ngán vì căn nhà mới mua bị những cây trứng cá “bủa vây” gây nhiều phiền toái.
Sợ mích lòng, cắn răng nhịn
“Cây trứng cá trồng bên nhà đối diện nhưng tán phủ qua sát cửa sổ nhà mình. Hễ có mưa, có gió là lá rụng bay vào đầy phòng. Dưới sân thì khỏi nói, lá và trái trứng cá lúc nào cũng rụng đầy, dơ không chịu nổi. Thỉnh thoảng còn có sâu bò vào trong nhà. Nếu thưa kiện lên phường thì mích lòng hàng xóm, mà cứ để vậy hoài thì chịu hết nổi” - chị Hoa nói như mếu.
Theo quan sát của chúng tôi, gốc cây trứng cá nằm ở mép vỉa hè căn nhà đối diện nhà chị Hoa nhưng tán rất rộng phủ kín một đoạn hẻm. Cách đó vài căn, một hộ khác cũng trồng cây trứng cá khá to trong chậu ngay phía trước nhà. Thấy chúng tôi thắc mắc không hiểu sao cây trứng cá này đã cao lớn như thế mà lại có thể trồng trong cái chậu bé tí, chị Hoa giải thích: “Cái chậu chỉ để làm bình phong thôi vì họ đục thủng đít rồi. Nói thẳng ra là họ trồng cây ngay trên lối đi, còn cái chậu chỉ để ngụy trang thôi. Trứng cá lớn nhanh lắm, mai mốt thêm cây này nữa chắc suốt ngày phải quét lá và trái rụng”.
Không riêng con hẻm trên, tại không ít tuyến hẻm trên trục đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) nhiều người dân cũng trồng cây trứng cá, tán tỏa rộng, lá và trái rụng đầy gây phiền toái cho những người lân cận. Tình trạng này cũng khá phổ biến ở địa bàn các quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức… Có nơi hẻm chỉ rộng chừng 2 m nhưng người dân vẫn trồng cây ngay trên lối đi chung. Cây trồng thì đủ loại, từ trứng cá đến xoài, lộc vừng, tha la (hoa đầu lân)… Nhiều người cũng thấy phiền toái vì lá cây rụng gây mất vệ sinh, rồi sâu bọ rơi vào nhà nhưng cũng giống như chị Hoa, họ ngại mích lòng hàng xóm nên không thưa kiện gì.
Trong nhiều tuyến hẻm trên trục đường Phan Xích Long, Phú Nhuận người dân vô tư trồng cây trứng cá - loại cây TP cấm trồng do đặc tính dễ rụng lá, gãy cành. Ảnh: M.THANH
Mạnh ai nấy trồng
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thiện Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, cho biết các quy định về quản lý cây xanh đô thị hiện chỉ mới đề cập đến cây xanh trên đường phố chứ chưa nói đến chuyện trồng cây trong hẻm nhỏ. “Cây trồng cần phải có không gian phát triển phù hợp. Hầu hết không gian hẻm ở TP.HCM rất hẹp, do đó nếu trồng thì phải tìm loại cây thích hợp chứ không nên mạnh ai nấy trồng. Đặc biệt không nên trồng những loại cây TP cấm trồng như trứng cá hoặc những loại cây có đặc tính dễ gãy cành” - ông Hà nói.
Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, thông tin thêm hiện nay Sở chỉ quản lý cây xanh trên đường phố, còn cây trồng trong hẻm do phường/xã, quận/huyện quản lý. Tuy nhiên, quận/huyện cũng chỉ quản lý cây trồng ở những hẻm lớn, có vỉa hè. “Theo tôi, người dân không nên trồng cây tại những tuyến hẻm chật hẹp vì sẽ ảnh hưởng đến lối đi chung. Đó là chưa kể sau này cây lớn lên sẽ phát sinh những vấn đề nguy hiểm như gãy đổ, làm nứt tường hàng xóm…” - ông Kỷ nói.
TS Đinh Quang Diệp, giảng viên bộ môn cây xanh ĐH Nông Lâm, bày tỏ: Đúng là hiện nay chưa có quy định cụ thể về chuyện trồng cây trong hẻm nhỏ, vì thế mạnh ai nấy trồng theo ý thích chủ quan. Chuyện này có thể gây ra những phiền toái như ảnh hưởng lối đi chung, không gian chung, rồi cây rụng lá, sâu bọ phát tán…
“Theo tôi, trong bối cảnh TP thiếu cây xanh trầm trọng như hiện nay vẫn nên khuyến khích trồng cây trong hẻm nhưng phải có hướng dẫn cụ thể về cách thức trồng, chủng loại phù hợp với không gian để đảm bảo cây phát triển lâu dài” - ông Diệp nói.
TP.HCM cấm trồng 28 loại cây Theo Quyết định 52/2013 của UBND TP.HCM, có 28 loại cây cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách. Đó là các loại cây có độc tố nguy hiểm cho con người, cây ăn quả hoặc có ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Cụ thể là các cây bã đậu, thông thiên, mã tiền (vì có mủ, thân, lá, hạt độc); cây bàng (dễ có sâu và gây ngứa khi đụng phải); các loại cây ăn quả (vì dễ kích thích trẻ em leo trèo nguy hiểm, quả rụng làm dơ đường phố); cây da, sung (vì rễ phụ làm hư hại công trình); cây dừa (vì quả to, rụng sẽ gây nguy hiểm); cây hoa sữa (vì mùi hương gây khó chịu); cây sọ khỉ, xà cừ (vì rễ ăn ngang lồi trên mặt đất gây hư vỉa hè, ảnh hưởng giao thông); các cây bồ kết, me keo, si rô (vì có rất nhiều gai)... Q.NHƯ Theo tôi được biết đúng là hiện nay chưa có quy định về trồng cây trong hẻm nhỏ. Tuy nhiên, nếu có khiếu kiện thì chúng tôi sẽ áp dụng các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông để xử lý. Theo đó, hành vi trồng cây trong hẻm ảnh hưởng đến lối đi chung cũng tương tự như hành vi lấn chiếm lòng đường. Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức |