Trọng tài FIFA Trương Hồng Vũ điều khiển trận Viettel - B. Bình Dương có lúc đã bấn loạn và mất phương hướng khiến đi từ cái sai này đến cái sai khác. Về phương pháp thì rõ ràng một trọng tài FIFA để mất kiểm soát và gây ra cảnh tranh cãi gây gổ giữa cầu thủ với trọng tài, rồi lãnh đạo đội bóng với trọng tài… như thế là không thể chấp nhận được.
Không đơn thuần là cái sai của một trọng tài
Đáng tiếc hơn là cái sai về phương pháp đấy lại lây lan sang cả chính ông Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền vì về nguyên tắc ông Hiền không được phép chỉ trích cấp dưới mình trên các phương tiện truyền thông, nhất là trong một sự kiện đã rồi và còn chưa mổ xẻ đến nơi đến chốn. Ông Hiền có thể dùng quyền của trưởng ban Trọng tài đề xuất kỷ luật nặng trọng tài Vũ nhưng không thể “kết tội” trọng tài Vũ rằng “Tôi vô cùng phẫn nộ vì sự lấp liếm của trọng tài Vũ!”.
Chưa thể khẳng định tiếng còi của trọng tài Vũ “méo” trong cuộc đua chống xuống hạng mà 1-2 điểm có được hay mất đi có khi ảnh hưởng đến công sức của cả một tập thể trong một mùa giải. Tuy nhiên, phải khẳng định một điều là trọng tài Vũ đã rất kém và hoảng loạn để rồi sau đó chính mình lại thiếu trung thực với công việc của một trọng tài.
Tình huống trọng tài Vũ “bẻ còi” được chính trọng tài này lý giải là khi Hồ Sỹ Giáp (B. Bình Dương) phạm lỗi với Bùi Tiến Dũng (Viettel) thì ông Vũ phạt Sỹ Giáp nhưng chỉ nhầm hướng nên đội B. Bình Dương tiến hành đá phạt nhanh và ăn bàn sau vài tình huống. Cách lý giải đấy của ông Vũ là không trung thực vì sau khi Tiến Linh ghi bàn, trọng tài Vũ đã chỉ tay lên vạch giữa sân tức công nhận bàn thắng. Chỉ khi đội Viettel phản ứng và trọng tài thứ tư hội ý, nhắc nhở thì ông Vũ mới phủ nhận bàn thắng và sau đó nói rằng mình thổi phạt đúng nhưng chỉ nhầm hướng.
Trọng tài Vũ có thể sai về nhận định, sai về phương pháp nhưng không thể sai trong cách giải thích khi mà ký hiệu trên sân của ông đã phản bác lại việc “chữa cháy” cho cái sai sơ đẳng của mình.
Tranh cãi, hỗn loạn sau tình huống “bẻ còi” của trọng tài Vũ. Ảnh: WEBTHETHAO.VN
V-League xấu xí vì sự thiếu trung thực
Về công tác trọng tài hoàn toàn có thể “chỉ tay lộn hướng” như trọng tài Vũ giải thích nhưng nếu thực sự là nhầm thì ngay từ nhịp một khi phát quả bóng đi là đã có thể sửa sai. Đằng này trọng tài Vũ để tình huống trôi qua rất nhiều nhịp và thành bàn rồi công nhận bàn thắng và đến khi được nhắc thì sửa sai một cách thiếu trung thực.
Công bằng mà nói thì tình huống dẫn đến quả phạt, Hồ Sỹ Giáp của B. Bình Dương đã phạm lỗi với Bùi Tiến Dũng sau đó mới dẫn đến tình huống Tiến Dũng ngã và chạm tay vào bóng.
Nói trọng tài bị áp lực thì trận nào mà chả áp lực. Nhưng sai hàng loạt tình huống và để cho trận đấu hay mà người xem cả nước phải chứng kiến cảnh cãi nhau như mổ bò và la lối tranh luận ầm ĩ thì rõ ràng là xấu hổ thật. V-League là một giải chuyên nghiệp nhưng từ công tác trọng tài đến cách hành xử trên sân của nhiều thành viên thì có lẽ cần phải học những giải “phủi” đang được tổ chức rất thành công.
Trọng tài cũng là một con người nên khó tránh khỏi những sai lầm nhưng cần có sự trung thực, kể cả trung thực trong nhận lỗi. Đó là điều mà trước giải nào cũng thấy hình ảnh các trọng tài giơ tay hứa trong lời tuyên thệ của mình.
Trọng tài sai, để giải trở nên xấu xí với những hình ảnh phản cảm thì Ban trọng tài là người chịu trách nhiệm cao nhất nhưng cũng đừng vì thế mà những người lãnh đạo ban này có quyền xỉ vả, lên án cấp dưới của mình trước công luận.
Cái sai của trọng tài Vũ có thể giết chết một đội bóng hoặc cứu một đội thoát hiểm, nhưng điều đấy không nguy hiểm bằng cái sai của một hệ thống, mà khi đụng chuyện thì mới vỡ ra rất nhiều người có trách nhiệm đã thiếu trung thực với nghề nghiệp và với nhiệm vụ của mình.