Hãng tin Reuters cho biết tất cả 13 người trên máy bay dường như đã thiệt mạng.
Lúc đó, chiếc trực thăng chở hai thành viên phi hành đoàn và 11 hành khách, trong đó có một người Anh và một người Ý đang bay từ giàn khoan dầu Gullfaks B, điều hành bởi Công ty Statoil của Na Uy (STL.OL), thì gặp tai nạn.
Trung tâm Phối hợp cứu hộ miền Nam Na Uy (RCCSN) cho biết: “Chiếc trực thăng bị phá hủy hoàn toàn”. Sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã phá hiện thi thể của 11 người và hai người còn lại được cho là đã thiệt mạng.
Na Uy và Anh cũng đã dừng các chuyến bay thương mại của các trực thăng cùng loại với chiếc trực thăng trong vụ tai nạn, máy bay Airbus số hiệu H225 Super Puma - loại phương tiện vận chuyển đáng tin cậy của ngành công nghiệp dầu khí xa bờ.
Lực lượng chức năng Na Uy làm việc tại hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: REUTERS
Hiện trường vụ tai nạn nằm ở một khu vực trên biển ngoài khơi phía tây thành phố Bergen của Na Uy với nhiều đảo nhỏ và các mảnh vỡ có thể được nhìn thấy trên các khối đá nhô lên trên mặt biển.
Một số nhân chứng nói với truyền thông Na Uy rằng họ nhìn thấy phần cánh quạt tách khỏi trực thăng trong khi chiếc trực thăng còn bay trong không trung. “Khi tôi nhìn lên, tôi thấy phần cánh quạt nới lỏng và biến mất về phía bắc” - một nhân chứng tên John Atle Sekkingstad nói.
“Sau đó, chiếc trực thăng bay về phía bắc và tôi thấy lửa cháy ở phần nóc chiếc trực thăng, ngay tại bộ phận nối giữa cánh quạt và thân máy. Nó bốc cháy trước khi rơi xuống”.
Trung tâm phối hợp cứu hộ miền Nam Na Uy cho biết phần thân chính của chiếc trực thăng hiện đang nằm dưới nước trong khi phần cánh quạt được tìm thấy trên một khối đá cách đó khoảng 200-300 m.
Vua và Thủ tướng Na Uy cũng đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. “Bạn không cô đơn trong nỗi buồn của mình” - Thủ tướng Na Uy Erna Solberg an ủi.
Đây là vụ tai nạn trực thăng Super Puma thứ hai tồi tệ nhất sau một vụ tai nạn hồi năm 2009 ở Scotland khi cánh quạt tách khỏi phần thân trực thăng, làm 16 người thiệt mạng.