Trung Đông sẽ sôi động thế nào khi Iran và Saudi Arabia hòa giải?

(PLO)- Việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia không chỉ là một bước tiến ổn định chính trị và ngoại giao tại Trung Đông mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hồi tuần trước ông Mohammad Jamshidi - Phó Chánh văn phòng Tổng thống Iran về các vấn đề chính trị cho biết Quốc vương Saudi Arabia - ông Salman bin Abdulaziz đã ngỏ lời mời tới Tổng thống Iran - Ebrahim Raisi đến thăm thủ đô Riyadh sau thỏa thuận hòa giải nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau nhiều năm “lạnh nhạt”, theo hãng tin Al Jazeera.

Đáp lại lời mời của quốc vương Saudi Arabia, lãnh đạo Iran cho biết ông rất hoan nghênh lời mời trên. Giới quan sát cho biết cùng với thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì đây là một trong những bước tiến quan trọng, góp phần đưa quan hệ chính trị giữa Iran - Saudi Arabia nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung lên một tầm cao mới.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị (giữa), Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani (trái) và Cố vấn An ninh quốc gia của Saudi Arabia - ông Musaad bin Mohammed Al Aiban tại buổi ký kết thỏa thuận ngày 10-3. Ảnh: REUTERS
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị (giữa), Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani (trái) và Cố vấn An ninh quốc gia của Saudi Arabia - ông Musaad bin Mohammed Al Aiban tại buổi ký kết thỏa thuận ngày 10-3. Ảnh: REUTERS

Triển vọng ổn định khu vực sau cái bắt tay Iran-Saudi Arabia

Quan hệ ngoại giao Iran và Saudi Arabia đã chứng kiến nhiều thăng trầm kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran. Sau này, quan hệ giữa hai nước càng đi vào bế tắc sau vụ người biểu tình Iran tấn công các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại Iran hồi 2016.

Theo Al Jazeera, việc hai nước “đóng băng” quan hệ đã đe dọa sự ổn định và an ninh vùng Vịnh, thậm chí trong nhiều năm qua nó còn châm ngòi cho xung đột Yemen-Syria bùng nổ. Vậy nên việc nối lại quan hệ ngoại giao của hai nước có ý nghĩa rất quan trọng tới tình hình chính trị trong khu vực.

Cụ thể, với hiệp định này, hai nước khẳng định “tôn trọng chủ quyền của nhau và không can thiệp vào các công việc nội bộ của nhau”. Theo đó, hai bên đã nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở lại cơ quan ngoại giao như đại sứ quán và các văn phòng đại diện ngoại giao ở mỗi nước trong vòng 1 tháng nữa. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau nhiều năm thù địch đe dọa an ninh và sự ổn định của vùng Vịnh.

Theo Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran - ông Ali Shamkhani, việc xóa bỏ những hiềm khích trong quan hệ giữa Tehran và Riyadh trong quá khứ chắc chắn sẽ tạo được bước tiến quan trọng trong việc cải thiện sự ổn định và an ninh cho “chảo lửa” Trung Đông. Bởi theo ông, nó có thể thúc đẩy các nước vùng Vịnh và thế giới Hồi giáo cùng nhau giải quyết những thách thức hiện tại của khu vực.

Tuần trước, trong một tuyên bố hoan nghênh việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia, Liên minh châu Âu (EU) đã nhấn mạnh rằng hai nước này được xem như những trung tâm của an ninh khu vực, vậy nên việc khôi phục quan hệ ngoại giao có thể góp phần ổn định chính trị toàn bộ khu vực Trung Đông. EU cũng khẳng định sẵn sàng tham gia tất cả chủ thể trong khu vực theo cách tiếp cận dần dần, toàn diện, và minh bạch.

Theo Al Jazeera, thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tehran và Riyadh được cộng đồng quốc tế vô cùng ủng hộ. Liên Hợp Quốc hoan nghênh việc nối lại quan hệ này và cảm ơn Trung Quốc vì đã chủ động giữ vai trò trung gian đảm bảo thỏa thuận được ký kết. Về phía Mỹ, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Washington hoan nghênh bất kỳ nỗ lực nào nhằm mục đích làm giảm căng thẳng về chính trị tại khu vực Trung Đông.

Bình thường hóa quan hệ mang lại lợi ích gì cho Iran và Saudi Arabia?

Theo tạp chí The Times, ngoài lĩnh vực chính trị-ngoại giao, việc nối lại quan hệ giữa hai nước Iran và Saudi Arabia có thể mang lại nhiều lợi ích về kinh tế đối với cả hai.

Cụ thể, theo báo cáo mới đây của The Times, cuộc chiến tại Yemen nổ ra từ 2014 tới nay khiến quân đội các bên xung đột tiêu tốn tổng cộng hơn 200 triệu USD/ngày, tức khoảng 72 tỉ USD/năm, phần lớn tiêu hao chi phí này là do Saudi Arabia gánh chịu.

Vậy nên, nếu các bên có thể ngồi vào đàm phán tìm cách chấm dứt vấn đề khủng hoảng tại Yemen thì Saudi Arabia có thể cắt giảm được khoản chi phí này và đầu tư vào các dự án khác của chính quyền Riyadh, trong đó có dự án “Tầm nhìn 2030” của Thái tử Saudi Arabia - Mohammed bin Salman.

Ngoài ra, thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao còn cho phép hai bên quay lại thực hiện hiệp định hợp tác năm 1998 về lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, và là cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác chung về kinh tế-thương mại nhằm khai thác và tận dụng triệt để các tiềm năng lớn về kinh tế, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu mỏ.

Triển vọng nào cho giảm nhẹ trừng phạt Iran?

Iran đã đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và châu Âu hồi 2015 liên quan đến các chương trình hạt nhân của họ. Giới chuyên gia nhận định rằng việc đạt được thỏa thuận ngoại giao với Saudi Arabia có thể là con đường mới cho Tehran giảm bớt ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt, theo Al Jazeera.

Giới quan sát cho biết với nhiều thuận lợi từ việc nối lại quan hệ ngoại giao, Iran có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để các đối tác ngoại giao trên thế giới tham gia đàm phán với Tehran, giải quyết vấn đề hạt nhân. Ngoài ra, nếu muốn giảm nhẹ trừng phạt, trước mắt Iran cần tuân thủ các thỏa thuận hạt nhân để thúc đẩy các nước áp đặt trừng phạt có thể xem xét việc giảm nhẹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm