Trung Quốc yêu cầu Mỹ không khôi phục thử hạt nhân sau khi có thông tin rằng các quan chức trong chính phủ Tổng thống Donald Trump bắt đầu thảo luận vấn đề này sau gần 30 năm tạm ngưng, theo báo Newsweek.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm 8-6 cho hay nước này “vô cùng lo ngại trước cuộc thảo luận nội bộ trong chính phủ Mỹ về việc khôi phục các vụ thử hạt nhân”.
Một vụ thử hạt nhân của Mỹ có sức công phá 15 kiloton năm 1953. Ảnh: NEWSWEEK
Bà Hoa đã cùng phía Nga lên tiếng ủng hộ một tuyên bố gần đây do Nhóm các cá nhân ưu tú (GEM) thuộc Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) ban hành, trong đó kêu gọi Mỹ không khôi phục thử hạt nhân.
“Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), trong đó đề ra các quy tắc quốc tế về cấm thử hạt nhân, đóng vai trò là một trụ cột quan trọng của hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế. Hiệp ước còn có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy giải trừ hạt nhân, cấm phổ biến hạt nhân, đồng thời bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới” - bà Hoa nói về hiệp ước được ký năm 1996.
“Chúng tôi cũng hy vọng phía Mỹ sẽ thực hiện lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và góp phần bảo vệ việc giải trừ hạt nhân quốc tế và không phổ biến hạt nhân. Mỹ không nên bước thêm vào con đường sai trái của việc làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu” - bà Hoa nói.
Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) được Đại hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua năm 1996. Tuy nhiên, hiệp ước vẫn chưa có hiệu lực do một số quốc gia, trong đó có Mỹ, chưa phê chuẩn văn kiện này. Tất cả các quốc gia châu Âu, kể cả Nga, Anh và Pháp, đã phê chuẩn hiệp ước.
Lần cuối cùng Mỹ thử hạt nhân là năm 1992 trong bối cảnh các cuộc đàm phán về việc cấm thử hạt nhân đa phương diễn ra.
Thông tin các quan chức Mỹ thảo luận về việc khôi phục thử hạt nhân kể từ năm 1992 xuất hiện đầu tiên trên báo The Washington Post.
The Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ ông Trump và hai cựu quan chức Mỹ cho biết nước này có ý định khôi phục thử hạt nhân để gây sức ép buộc Trung Quốc và Nga bước vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí ba bên. Đây sẽ là phiên bản hạn chế hơn so với Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) ký giữa Nga và Mỹ. New START sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở rộng đề nghị gia hạn hiệp ước, theo đó hạn chế số lượng đầu đạn và vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của Mỹ và Nga, đồng thời cung cấp các kênh để kiểm chứng và thanh tra lẫn nhau.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã kêu goị một thỏa thuận mới, trong đó đề cập các công nghệ mới như tên lửa siêu thanh có tính cơ động cao và có sự tham gia của các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần từ chối đề nghị này.
Theo Newsweek, việc Mỹ khôi phục thử hạt nhân sẽ tạo tiền đề cho các quốc gia khác tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.