Vào đầu tháng 4-2020, trong phiên họp thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc (TQ), nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình đã kêu gọi “chuẩn bị tinh thần để đương đầu với thay đổi môi trường bên ngoài kéo dài” khi “các yếu tố bất định đang gia tăng”. Điều này cho thấy lãnh đạo Bắc Kinh đã nhận thức được việc xa lánh của doanh nghiệp (DN) và các nước.
Bắc Kinh đã làm gì?
Giới quan sát nhận định hiện TQ chưa công bố chính sách hay biện pháp lâu dài nào để đối phó với những tác động từ việc DN đồng loạt rút khỏi nước này. Theo Asia Times, TQ có thể vẫn còn hy vọng rằng các khó khăn, trở ngại, thiệt hại trong việc di chuyển chuỗi sản xuất khỏi TQ sau hàng chục năm hoạt động ở đây sẽ khiến công ty và tập đoàn ngoài nước phải chùn bước.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), chính quyền TQ cũng bắt đầu có những bước đi ngăn chặn đà sụt giảm tăng trưởng lượng đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục kéo dài. Tháng 3-2019, TQ đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào ngày 1-1-2020 chỉ sau ba tháng cấp tốc soạn bộ luật với thông điệp tạo ra sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi các hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Không chỉ thể chế hóa thành luật, chính quyền TQ còn tung ra nhiều chính sách trải thảm đỏ đối với các nhà đầu tư lớn mang nhiều hàm lượng công nghệ cao bằng các ưu đãi về tín dụng. Tesla, hãng xe đi đầu thế giới trong lĩnh vực xe điện của tỉ phú Elon Musk, vừa được nhóm các ngân hàng TQ cho vay khoảng 1,6 tỉ USD để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe ô tô điện tại Thượng Hải. Hãng xe Volkswagen của Đức cũng vậy. Họ cũng đạt được thỏa thuận đầu tư với TQ với tham vọng sản xuất khoảng nửa số lượng xe điện của họ ở TQ vào năm 2028. General Electric Renewable Energy thuộc Tập đoàn GE của Mỹ cũng sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy điện gió mới tại TQ cùng với các trung tâm vận hành. Các nhà cung cấp cho các đầu tư lớn cũng theo chân đầu tư như LG Chem Ltd, nhà sản xuất pin lithium-ion lớn thứ hai thế giới, cũng sẽ đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp pin cho Tesla tại TQ.
Doanh nghiệp ngày càng bất an vì Trung Quốc hành xử không có trách nhiệm, dễ xung đột với các nước. Ảnh minh họa: GETTY
Khi TQ tiến lên một nấc thang mới trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, họ đang dần dần chọn lựa các nhà đầu tư công nghệ cao và họ không cần các nhà sản xuất thâm dụng lao động. Chính quyền TQ nhìn nhận việc các công ty sản xuất di dời nhà máy khỏi TQ tới các quốc gia khác có chi phí thấp hơn là một xu hướng không thể tránh khỏi. Hiện tại, họ vẫn tương đối bình tĩnh vì ngoài các chính sách ưu đãi mới thì TQ có thuận lợi về mặt cấu trúc như quy mô nền kinh tế lớn với thị trường 1,4 tỉ dân, nguồn nhân lực đông và lành nghề, cơ sở hạ tầng phát triển và hệ thống nhà cung cấp sản phẩm hỗ trợ mà không quốc gia nào có thể sao chép được.
Vì sao chưa hiệu quả?
Dù đã hành động nhưng niềm tin vào thị trường TQ vẫn sụt giảm. Thứ nhất, các vấn đề cốt lõi trong xung đột thương mại Mỹ-TQ vẫn chưa được giải tỏa. Đó là: (i) buộc TQ phải tôn trọng sở hữu trí tuệ, chống đánh cắp công nghệ; (ii) buộc Bắc Kinh phải ban hành luật lệ kinh doanh công bằng cho các DN nước ngoài. Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ đang hòa hoãn với TQ giai đoạn này vì các khó khăn nội bộ nhưng cánh diều hâu TQ vẫn chưa chấp nhận những nhượng bộ mà phía TQ đưa ra, trong đó chủ yếu là gia tăng nhập hàng từ Mỹ.
Thứ hai, cạnh tranh giữa TQ với Mỹ và các nước không đơn giản chỉ ở thương mại. Chí ít đến nay có nhiều nước ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Mỹ đều có quan điểm bất đồng với TQ về vấn đề yêu sách trên biển. Phía EU cũng dần nhận ra mối đe dọa thực sự từ cách hành xử vô pháp của TQ ở các tuyến hàng hải quan trọng. Gần đây, TQ triển khai tuyến hải quân đến tận vùng biển giáp Hawaii, nơi rất đông lực lượng đồn trú của Mỹ đang hiện diện.
Đây không phải là bài toán về quân sự. Ông Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), cho rằng quân đội Mỹ không thể giải quyết sự hung hăng của TQ trên biển. Ngoài các hoạt động quốc phòng, Nhà Trắng cần can thiệp và chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện một chiến dịch quốc tế nhằm định danh và vạch trần TQ về ngoại giao. Chính phủ Mỹ cũng nên huy động Bộ Tài chính vào cuộc, xem xét trừng phạt các cá nhân và tàu thuyền của lực lượng dân quân biển TQ hành xử phạm pháp ở Biển Đông, tương tự cách mà Mỹ đã trừng phạt các lực lượng dân quân của Nga ở Ukraine.
Tương tự đề xuất của chuyên gia Poling, giới chính trị gia Mỹ và một số nước đã đề xuất việc tấn công vào nền kinh tế lẫn ngoại giao của TQ nếu muốn Bắc Kinh tôn trọng luật chơi chung, chí ít là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Như vậy, mối quan hệ đầy bất an giữa TQ với các nước cũng góp phần khiến nơi này không còn là điểm đến lý tưởng của các DN như nhiều năm trước. Bởi lẽ, mâu thuẫn TQ và phần còn lại của thế giới có thể bùng phát bất thường. Thế nhưng TQ chưa có chỉ dấu sẽ giảm hành xử phạm pháp để trấn an nhà đầu tư.
Chủ DN hiện nay rất lo ngại lại xảy ra một sự kiện với quy mô như COVID-19. Do đó, họ cần phải biết được là liệu chính quyền sở tại có đủ khả năng đối phó và có cung cấp đủ thông tin để họ tự đánh giá tình hình hay không. Đến nay TQ đã làm thất vọng rất nhiều tập đoàn lớn trong cách xử lý dịch của nước này. Chuyên gia KELLIE MEIMAN HOCK, Công ty tư vấn rủi ro McLarty Associates (Mỹ) Việc nghi ngờ TQ che giấu thông tin đại dịch không giúp các nước có thêm niềm tin từ các công ty đa quốc gia. Chính vì vậy, các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, nên tận dụng việc Bắc Kinh đang bị chỉ trích để nâng cao năng lực quản trị của mình trong mắt DN và nhà đầu tư nước ngoài. GS PAVIDA PANANOND, ĐH Thammasat (Thái Lan) |