Trung Quốc phát triển tên lửa mới

Chính phủ Nhật sẽ tiếp tục củng cố năng lực bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong năm 2014. Theo báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 25-12, Bộ Quốc phòng Nhật đang chuẩn bị thành lập một đơn vị tấn công đổ bộ tương tự lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ để làm nhiệm vụ đổ bộ và tái chiếm đảo.

Trước mắt, năm tới, Bộ Quốc phòng sẽ thành lập một đơn vị tấn công đổ bộ nhỏ mang tính thử nghiệm. Để đơn vị này hoạt động, Bộ Quốc phòng sẽ mua hai xe bọc thép lội nước AAV7 của hải quân Mỹ với chi phí khoảng 1,7 tỉ yen (343 tỉ đồng VN).

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng dành 300 triệu yen (60 tỉ đồng VN) cho kế hoạch mua máy bay vận tải quân sự V22 Osprey và máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ. Nhật dự định sẽ triển khai hai loại máy bay này năm 2015.

Trung Quốc phát triển tên lửa mới ảnh 1

Bộ Quốc phòng Nhật sẽ mua hai xe bọc thép lội nước AAV7 của Mỹ. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Máy bay V22 Osprey rất hữu dụng cho công tác bảo vệ các đảo xa bờ như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vì có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và bay nhanh như máy bay cánh cố định.

Trong khi đó, cơ quan tuần duyên Nhật dự kiến chi 13,3 tỉ yen (2.686 tỉ đồng VN) trong năm 2014 để đóng hoặc cải tạo 11 tàu tuần tra cỡ lớn để tuần tra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào cuối năm 2015. Cơ quan tuần duyên cũng sẽ tuyển thêm 400 binh sĩ cho đội tàu này.

Trong khi đó, báo Japan Times (Nhật) ngày 25-12 cảnh báo Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới và gia tăng kho đầu đạn hạt nhân nhằm đối phó với hành động can thiệp của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hôm 13-12, quân đội Trung Quốc đã bắn thử tên lửa Đông Phong 41 (DF-41) lần thứ hai tại trung tâm phóng tên lửa Ngũ Trại ở tỉnh Sơn Tây. Tên lửa DF-41 được bắn thử lần đầu hồi tháng 7-2012. Với tầm bắn xa 14.000 km (bay tới các mục tiêu ở Bắc Mỹ), trong tương lai DF-41 sẽ là nền tảng mới cho an ninh của Bắc Kinh.

Binh đoàn pháo binh thứ hai phụ trách tên lửa đạn đạo đang điều khiển tên lửa DF-31A (tầm bắn 11.200 km). DF-31A có khả năng mang 3-5 đầu đạn hạt nhân trong khi DF-41 có thể mang đến 10 đầu đạn hạt nhân.

Báo Japan Times nhận định chương trình phát triển tên lửa chiến lược của Trung Quốc rõ ràng đã đi ngược với xu hướng toàn cầu về cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Theo báo cáo hồi tháng 5 của Viện nghiên cứu không quân Mỹ, Trung Quốc sở hữu khoảng 100 đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Mỹ và con số này sẽ gia tăng trong vòng 15 năm tới sau khi Bắc Kinh hoàn thành công tác phát triển tên lửa DF-41.

Trong khi đó, theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc có khoảng 250 đầu đạn hạt nhân, ít hơn nhiều so với con số 7.700 đầu đạn hạt nhân của Mỹ. Dù vậy, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ muốn tăng cường kho đầu đạn hạt nhân.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 25-12 đưa tin tại cuộc họp hôm 24-12 giữa Tổng tham mưu trưởng Malaysia Zulkifeli Mohd. Zin và Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Phòng Phong Huy, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự. Ông Phòng Phong Huy cho biết Trung Quốc muốn nâng tầm quan hệ quân sự song phương với Malaysia thông qua tập trận chung, huấn luyện và trao đổi hải quân. Ông Zulkifeli khẳng định Malaysia sẵn sàng thúc đẩy quan hệ quân sự với Trung Quốc. Tại cuộc họp, hai bên cũng trao đổi quan điểm về vấn đề biển Đông.

DUY KHANG - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm