Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi trước tấm bản đồ về tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Đức. (Nguồn: AFP)
Báo cáo trên được công bố tại “Diễn đàn nhóm chuyên gia 12 nước Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” do Đại học Nhân dân Trung Quốc chủ trì, Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc tổ chức.
Đây là báo cáo nghiên cứu đầu tiên về Vành đai kinh tế con đường tơ lụa của nhóm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013 đề ra sáng kiến “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa.”
Theo báo cáo, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước ven Vành đai kinh tế con đường tơ lụa chiếm khoảng 55% GDP của thế giới, với khoảng 70% dân số và khoảng 75% nguồn tài nguyên đã được kiểm chứng của thế giới.
Với tiềm năng kinh tế như vậy, cộng thêm nhịp độ tăng trưởng kinh tế có sức cạnh tranh nhất thế giới, khiến cho vành đai kinh tế con đường tơ lụa có hy vọng trở thành huyết mạch kinh tế của thời đại toàn cầu hóa mới.
Báo cáo nêu rõ ba bước chiến lược xây dựng Vành đai kinh tế con đường tơ lụa gồm: Từ nay đến năm 2016 là thời kỳ động viên chiến lược; từ năm 2016 đến năm 2021 là thời kỳ quy hoạch chiến lược; từ năm 2021 đến năm 2049 là thời kỳ thực hiện chiến lược.
Trong sáng kiến "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa," Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất các nước kết nối mạng lưới giao thông để mở một con đường chiến lược nối Thái Bình Dương với biển Baltic, đồng thời dần tiến tới thiết lập mạng lưới giao thông liên kết các khu vực Đông, Tây và Nam Á./.
Theo HẢI YẾN/BẮC KINH (TTXVN/VIETNAM+)