Hiện người dân chẳng mấy khi lui tới các trung tâm văn hóa-thể thao và học tập cộng đồng (trung tâm) ở các xã, phường trong tỉnh Tây Ninh, có trung tâm cho tư nhân thuê hoặc gần như bỏ không, lãng phí. Thế nhưng tới đây, các trung tâm này sẽ được cải tạo hoặc xây mới theo tiêu chí nông thôn mới nên nhiều người hoài nghi nó lại tiếp tục bỏ không hoặc cho tư nhân thuê.
Cho thuê để khỏi bỏ không
Chúng tôi ghé trung tâm ở xã Trí Bình (huyện Châu Thành) trong giờ hành chính nhưng cửa khóa im ỉm. Nhìn qua cửa kiếng, bàn ghế trong phòng đóng bụi cả lớp dày.
Ở ngoài sân trung tâm, nhiều người đang phơi lúa. Một nông dân cho biết trung tâm đã cho thuê sân vài năm nay với giá 3 triệu đồng/năm. “Không có ai vô trung tâm nên họ cho mướn sân phơi lúa để khỏi bỏ không”.
Trung tâm tại xã Bình Minh (thuộc TP Tây Ninh, là một trong 25 xã điểm của tỉnh xây dựng nông thôn mới) thì có người trực trong giờ hành chính. Nhưng chẳng có người dân nào lui tới. Thi thoảng có người ghé vô nhưng là để… uống cà phê, vì trung tâm cho tư nhân thuê để làm sân bóng và bán nước.
Trung tâm Văn hóa-thể thao và học tập cộng đồng xã Tân Thành cho thuê một phần diện tích để bán cà phê cho có người ra vô. Ảnh: NH
Theo bà Hồ Thị Cẩm (Phó Chủ tịch UBND xã kiêm giám đốc trung tâm) cho biết: “Sân của trung tâm không ai tới chơi nên xã cho mướn giá 700.000 đồng/tháng. Họ bán nước cho có người ra người vô chứ trước kia chẳng ai tới”.
Tại xã Tân Thành (huyện Tân Châu), trong khi trụ sở hành chính xã còn đơn sơ nhưng trung tâm lại khang trang. Tuy nhiên, trừ những dịp hiếm hoi xã phối hợp với ngành chức năng mở các lớp dạy nghề cho nông dân thì trung tâm quanh năm cửa đóng then cài.
Để đỡ lãng phí, xã đã cho tư nhân thuê một phần diện tích trung tâm để bán cà phê còn sân thì thường cho các gánh hát lô tô thuê. Ông Bùi Văn Nhẫn - Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Trung tâm có thư viện nhưng chẳng ai tới. Khi không có lớp dạy nghề thì bỏ không…”.
Tại trung tâm xã Thái Bình, nơi được đánh giá là một trong các trung tâm hoạt động hiệu quả nhất tỉnh thì chỉ có câu lạc bộ võ thuật, câu lạc bộ dưỡng sinh hoạt động vào buổi chiều. Còn ban ngày hiếm khi người dân ghé tới. Khoảng sân rộng phía sau trung tâm đã cho nông dân thuê trồng rau cho đỡ lãng phí.
Nhiều người dân cho biết họ không có nhu cầu sinh hoạt ở trung tâm, buổi tối càng không.
Liệu có tiếp tục lãng phí?
Dù nhiều trung tâm bỏ không như trên nhưng các trung tâm này đang chuẩn bị được nâng cấp hoặc xây mới theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Về việc này, ông Bùi Văn Nhẫn (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Tân Châu) cho biết: “Theo tiêu chí thì phải xây nhưng phải đến năm 2020 xây cũng được vì chưa là xã điểm”.
Còn với các xã điểm xây dựng nông thôn mới thì đây là gánh nặng. Bà Hồ Thị Cẩm (Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh) chia sẻ: “Hiện giờ xã đang thiếu kinh phí nhưng cũng phải làm trong năm nay để kịp công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Trung tâm của xã hiện tại có ba phòng chức năng, mà quy định đạt chuẩn phải có năm phòng chức năng và một hội trường đủ 250 chỗ ngồi nên phải xây thêm. Lúc lấy ý kiến nhân dân về việc xây dựng trung tâm đạt chuẩn, nhiều người dân nói làm vậy sẽ lãng phí. Nhưng xã phải triển khai xây thôi. Thay vì nâng cấp xây mới hội trường nhỏ bên ủy ban thì mình xây hội trường bên trung tâm luôn, vừa đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ủy ban vừa có chỗ hội họp rộng rãi”.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT&DL), các trung tâm thời gian qua hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí… Trong năm 2014, các trung tâm kiện toàn về nhân sự, cơ sở vật chất cùng kinh phí từ 35 triệu đến 50 triệu đồng/đơn vị/năm, có lẽ nó sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
NGUYỄN HOÀNG