Trước khi vứt xác thú nuôi ra đường, cần nhớ điều này

Các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Bình Định, Hậu Giang… đang lên kế hoạch chặn tình trạng này, tránh dịch bệnh lây lan trong dân.

Các tỉnh phía Nam đã bước vào mùa nắng nóng. Người dân thiếu ý thức khi vứt xác động vật ra môi trường càng dễ khiến mầm bệnh lây lan. “Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường...” là một trong những hành vi bị cấm đã được quy định tại khoản 7 Điều 13 Luật Thú y 2015.

Chế tài cho hành vi này cũng không hề nhẹ. Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… đã nêu rõ: Nếu công dân nào có một trong các hành vi “để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Đồng thời, pháp luật buộc cá nhân đó phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Vậy nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng khi động vật nuôi trong nhà (chó, mèo) chết thì phải làm sao? Theo quy định hiện hành thì công nhân vệ sinh chỉ thu gom rác sinh hoạt, còn xác chết thú nuôi thì người chủ phải xử lý riêng để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Do đó, khi trong nhà có động vật nuôi chết thì chủ nuôi có thể mang xác thú nuôi đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) để nhờ thiêu đốt. Chi phí căn cứ vào bảng giá do Công ty Môi trường đô thị TP ban hành. Ngoài ra, Đội bắt chó chạy rông (252 Lý Chính Thắng, quận 3) cũng có dịch vụ để thiêu đốt này. Mỗi người dân cần có ý thức để môi trường được trong sạch hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm