Sáng 24-10 (tức ngày 19-9 năm Tân Sửu), tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng sơn môn pháp quyến trang nghiêm cử hành lễ truy điệu, tưởng niệm và cung nghinh kim quan Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhập Bảo tháp.
Cung thỉnh kim quan Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhập Bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng). (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Các chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, các ban, bộ, ngành, thành phố Hà Nội, cùng các tăng ni, phật tử, dòng tộc họ Bùi đã về Tổ đình Viên Minh dự Lễ truy điệu tưởng niệm và Lễ nhập Bảo tháp Đức Pháp chủ, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.
Tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Thiền viện Quảng Đức, TP.HCM) cũng diễn ra Lễ tưởng niệm, dâng hương kính viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn lãnh đạo thành ủy, HĐND, UBND, Uy ban MTTQ đến viếng.
Cùng thời gian này, các trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh, thành phố trong cả nước cử hành trang nghiêm Lễ truy điệu tưởng niệm và kết nối về Tổ đình Viên Minh, cầu nguyện giác linh Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cao đăng Phật quốc.
Trong lời tưởng niệm do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc, nhấn mạnh, cuộc đời đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đạt được ba điều mà thiên hạ ai ai cũng đều cúi đầu kính ngưỡng, đó là ngôi vị cao nhất, tuổi thọ dài nhất, đức độ sáng nhất; khẳng định thực hiện di nguyện của Đức Pháp chủ để xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng hưng thịnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc.
Hơn 1 thế kỷ nơi cảnh thiền môn, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đi trong niềm kính tín và tiếc thương vô hạn của môn đồ tứ chúng, tăng ni, đồng bào Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Ngài để lại di sản đức hạnh, cuộc đời thanh bạch, luôn sáng ngời ý chí tu hành, là nhân cách ưu việt của một bậc cao tăng thạc đức, trọn đời vì đạo pháp và dân tộc.
Trên cương vị luật sư, giới sư của các đại giới đàn, Đại lão Hòa thượng đã giới thân tuệ mệnh cho nhiều thế hệ tăng ni, phật tử. Ngài đã cùng chư tôn đức mở trường Phật học, đào tạo tăng tài và dành cả cuộc đời cho sự nghiệp biên soạn, chú giải Đại Từ điển Phật học, hiệu đính Đại tạng kinh.
Trên ngôi vị tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài vẫn sống thanh bần, ung dung, tự tại tại ngôi cổ tự giữa vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ. Là bậc chân tu quảng bác, trọn đời ẩn dật nơi mái chùa ở quê thanh tịnh, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn được tăng ni, phật tử, quần chúng nhân dân hết lòng kính ngưỡng. Ngài đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, từ phong trào Bình dân học vụ đến phong trào xây dựng hợp tác xã sau khi hòa bình lập lại.
Cùng với việc chăm lo chùa cảnh góp phần xây dựng quê hương, Ngài là bậc chân tu, luôn giữ tình đoàn kết các tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Ngài tham gia làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiều khóa, từ khóa IV đến khóa IX hiện nay.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ, với những cống hiến cao quý, Đại lão Hòa thượng đã được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều Bằng Tuyên dương công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các phần thưởng cao quý khác.