Nguyễn Ngọc Trầm, sinh viên năm cuối của Học viện Chính trị Công an nhân dân (Hà Nội), cho biết: “Vừa rồi tôi có xem thời sự thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động cuộc chiến chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc. Điều này đã tạo động lực thôi thúc mình muốn làm một việc gì đó nhằm bảo vệ môi trường”.
Làm quai treo bằng lá chuối, lá dong
Nói về ý tưởng quai treo đựng thức uống bằng nguyên liệu thiên nhiên, Trầm chia sẻ: “Khi xem trên mạng, tôi thấy ở Malaysia họ dùng tre để thay thế dần túi nylon rất hay. Tôi nghĩ ngay đến Quảng Ngãi quê mình cũng có lá chuối, lá dong, lá cây rừng, một nguồn nguyên liệu rất phong phú để giúp tôi thực hiện ý tưởng làm quai treo”.
Tranh thủ dịp thực tập tại quê nhà, chàng sinh viên này đã bắt tay nghiên cứu, tìm hiểu sản phẩm quai treo bằng tre và bẹ chuối, dây rừng. Sau đó, Trầm đã kêu gọi bà con trong xóm cùng chung tay với mình để thực hiện ý tưởng này. Trầm chia sẻ ở quê, những vật dụng gần gũi với thiên nhiên như thế này họ đã dùng từ rất lâu rồi. Vì thế, khi nghe Trầm nêu ý tưởng mọi người đồng ý ngay, vì một phần vừa có thu nhập, vừa hạn chế đốt túi nylon gây mùi khó chịu.
“Một phần may mắn là nguyên liệu sẵn có tại quê nhà nên rất thuận tiện cho tôi cùng mọi người có thể sản xuất. Hiện sản phẩm đang hoàn thiện và đưa ra thị trường. Tôi có kết nối với một vài quán trà sữa và được họ ủng hộ nhiệt tình” - Trầm phấn khởi cho hay.
Tuy nhiên, không phải chuyện gì cũng dễ dàng, trong quá trình sản xuất quai treo Trầm cũng gặp một chút khó khăn. Vì tre rất dễ gãy nếu để quá khô, do vậy cha mẹ phải giúp Trầm chọn loại tre già và chắc; lá cây rừng thì chưa đẹp về mẫu mã nên phải mất thời gian chọn cây phù hợp vừa nhỏ vừa chắc. Chỉ riêng bẹ chuối là dễ làm nhất vì chúng có tính chất dẻo và dai.
Chị Thu Hồng (phải), người đem sản phẩm giỏ xách cỏ bàng đến gần hơn với mọi người, hạn chế túi nylon. Ảnh: MINH TÂM
“Chợ quê tử tế” với giỏ đệm cỏ bàng
Với mong muốn giữ gìn giá trị truyền thống làng nghề của quê hương, đồng thời kêu gọi mọi người tạo thói quen xách giỏ đi chợ, hạn chế túi nylon, chị Nguyễn Thị Thu Hồng, PV báo Người Lao Động (TP.HCM), đã lập nên trang fanpage chợ quê tử tế để đưa những sản phẩm làm từ cỏ bàng đến với mọi người.
Chị Hồng cho biết: “Nhiều lần dẫn con đi quanh xóm chơi, thấy bà Ba đan đệm, chị mới nghĩ “Cha! Cái đệm này thử giới thiệu với bà con ở Sài Gòn họ thích không ta?” Thế rồi chị lên mạng rao trên Facebook cá nhân của mình trước và hỏi “Có bà con nào thích xách giỏ này đi chợ không?”, tự nhiên người ta ủng hộ quá trời luôn”.
Được các chị em ủng hộ, chị Hồng nghĩ đến việc kết nối với mấy cụ đưa sản phẩm này đến với mọi người nhằm duy trì được làng nghề và giúp cho các cụ có thêm niềm vui trong công việc. Hơn nữa, chị cũng mong muốn những sản phẩm thiên nhiên này sẽ góp một phần nào đó thay cho túi nylon, bảo vệ môi trường.
“Điều ý nghĩa nhất là mình có thể giữ gìn và bảo tồn làng nghề đan đệm của quê hương, nơi gắn bó với tuổi thơ của tôi. Bởi vì tôi yêu quê hương của tôi lắm, yêu cái xã này lắm, yêu cái làng nghề này lắm. Đặc biệt, mỗi lần đi ngang nhà những bà cụ khòm lưng mà còn đan bàng, tôi thấy xúc động lắm. Họ đã ngoài 70-80 tuổi mà vẫn ngồi khòm cái lưng còng xỏ từng cọng bàng, nhìn mà thương” - chị Hồng tâm sự.
Không chỉ mong muốn giữ gìn làng nghề truyền thống cho quê mình, giúp bà con có thêm thu nhập, chị Thu Hồng còn muốn kết nối thiên nhiên gần hơn với đời sống con người. “Bây giờ là thời buổi của sống xanh. Cùng với ý thức sống xanh, người ta bắt đầu sợ thực phẩm bẩn, sợ những sản phẩm nguy hại đến môi trường. Bạn thấy đó, ô nhiễm môi trường hiện nay đã đến mức báo động rồi. Bây giờ mình làm được gì cho môi trường thì cứ làm. Như hồi trước tôi vô tư lắm, đi chợ không quan trọng chuyện lấy túi nylon, cứ đưa là lấy về nhà, có khi là năm đến chục túi nylon. Từ lúc biết tới giỏ đệm, tôi bắt đầu thay đổi thói quen xách giỏ đi chợ. Đồng thời, tôi lập trang chợ quê tử tế để kêu gọi mọi người xách giỏ đi chợ. Những ngày đầu tôi cũng hay quên, cứ mỗi lần quên là tôi lại thấy áy náy, cảm giác như mình có lỗi với môi trường” - chị Hồng kể.
Ban đầu mọi người chưa biết đến nhiều nên chị Thu Hồng chỉ bán được vài chục giỏ đệm cỏ bàng. Sau đó, chị mở luôn trang fanpage Chợ quê tử tế. Từ những mẫu đệm, túi đi chợ đơn giản, chị suy nghĩ và sáng tạo thêm những mẫu mới đẹp hơn nhưng vẫn giữ nguyên bản chất thuần thiên nhiên, thân thiện với môi trường. |