“Tại sao từ cầu thủ đến các quan chức Việt Nam chỉ thích chơi ở SEA Games với Tiger Cup quanh quẩn trong khu vực Đông Nam Á mà không nghĩ xa hơn ở sân chơi châu Á?”.
Không để tôi trả lời, ông thầy người Áo từng đoạt chiếc giày đồng châu Âu nói tiếp: “Anh có thấy chỉ hai tháng sau Tiger Cup 1998, họ (các tuyển thủ Việt Nam - NV) thi đấu với bộ mặt nhạt nhòa và thiếu trách nhiệm không?”.
Năm kỳ Asiad tiếp theo kể từ lần đầu thiếu khát khao đi đá cho đủ tụ, bóng đá Việt Nam mới viết nên trang sử mới ở giải đấu này. Với lần đầu có mặt ở một kỳ tứ kết Asiad, HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo đã trở nên người liên tiếp viết nên những trang sử và nêu kỷ lục cho bóng đá Việt Nam.
Người truyền lửa Park Hang-seo cùng bóng đá Việt Nam đi vào lịch sử Asiad. Ảnh: HUY PHẠM
Sau lần cùng U-23 Việt Nam trở về từ Thường Châu (Trung Quốc), bóng đá Việt Nam không còn là cái tên xa lạ ở bản đồ bóng đá châu Á nữa. Nếu tại Thường Châu tháng 1-2018 có trận các cường quốc bóng đá trong khu vực còn cho U-23 Việt Nam là kẻ ăn may vĩ đại hay là đội bóng chơi tử thủ rình rập đối phương bằng một hàng thủ kiên cường thì Asiad 2018, ông thầy Park Hang-seo đã thực hiện đúng lời hứa của mình. Ông buộc các cầu thủ chơi một thứ bóng đá sòng phẳng nhưng vẫn tuân thủ đúng kỷ luật chiến thuật. Ông chấp nhận bị chỉ trích trong trận căng sức đá với Nhật để tìm chiến thắng nhằm tạo đà tâm lý và vượt qua cái ngưỡng hàng chục năm rồi không thắng nổi đối thủ này…
90 phút trước Bahrain không phải là trận đấu hay của các học trò ông. Khi mà đối thủ mới là người tạo bất ngờ bởi sức mạnh và cả tinh thần trong 48 phút thi đấu thiếu người. Điều khiến giới chuyên môn đánh giá cao nơi ông thầy tận tụy này là trong thế khó (vừa thiếu nhiều vị trí quan trọng, vừa phải chứng kiến một số vị trí thi đấu dưới sức), thế mà ông vẫn giúp các cầu thủ giữ được tinh thần, giữ được tính kỷ luật trong lối chơi và giữ được mành lưới. Từ đó ông có những điều chỉnh thật sáng suốt để rồi hai vị trí vào sân từ hiệp 2 chính là hai cầu thủ có công lớn đến bàn thắng duy nhất.
Cái cách dụng binh của ông không làm những cầu thủ ngồi lâu trên ghế dự bị tổn thương. Cách đấy cũng không cho phép cầu thủ nào nghĩ mình là ngôi sao, là cầu thủ không thể thay thế. Với ông, cầu thủ nào ra sân dù ở đội hình chính hay từ ghế dự bị cũng phải luôn sẵn sàng hòa nhập vì lối chơi chung và luôn cháy hết mình như cái cách ông giục quân ở khu kỹ thuật.
20 năm, từ hình ảnh ông Alfred Riedl buông xuôi thất vọng khi nhìn các cầu thủ thiếu khát vọng đến một Park Hang-seo truyềnlửa cho từng cầu thủ cũng là hai thái cực của bóng đá Việt Nam.
Câu hỏi của ông Alfred Riedl ngày nào đã được chính ông Park Hang-seo trả lời. Đó là sân chơi nào cũng quan trọng và hơn hết là cầu thủ khi ra sân luôn cháy hết mình, luôn biết đá cho ai và vì ai.
Đã qua rồi giai đoạn chọn giải mà chơi hay chỉ tập trung đá cái ao làng Đông Nam Á rồi nhìn giải đấu ngoài khu vực như một sân chơi quá tầm.
Bóng đá Việt Nam cứ vượt từng ngưỡng trong lịch sử của chính mình với một ông thầy người Hàn luôn gieo cho cầu thủ một khái niệm đi tìm chiến thắng bắt đầu từ việc thắng chính mình.