Từ ao ước được lên tivi đến HCV Olympic châu Á

Nguyễn Văn Thành Lợi, học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), là HS đầu tiên của tỉnh đoạt huy chương vàng (HCV) kỳ thi Olympic khu vực châu Á. Hiện Lợi đang ở Hà Nội cùng các HS khác trong đội tuyển ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Olympic quốc tế sắp tới.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Lợi bày tỏ: “Giờ em vẫn đang lâng lâng hạnh phúc. Vậy là em đạt được ước mơ rồi. Hồi xưa em coi lễ vinh danh các HS đoạt giải Olympic trên tivi, em cứ ao ước một ngày em cũng được lên tivi như các anh chị; được giới thiệu đây là một HS đến từ tỉnh Bình Phước, thích gì đâu!”. Nói xong, Lợi cười giòn.

Quyết tâm cao sau lần thi năm 2017

Với ngôi trường của Lợi và cả ngành giáo dục tỉnh Bình Phước thì tấm HCV của Lợi là một sự kiện rất đặc biệt. Nhiều thầy cô, bạn học và cả Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã đến tận sân bay Tân Sơn Nhất đón Lợi sau cuộc thi Olympic châu Á. Sau đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức một buổi gặp gỡ vinh danh, khen thưởng cậu học trò xuất sắc này. Lợi chia sẻ: “Em sẽ cố gắng trong kỳ thi Olympic quốc tế để được… lên tivi nữa”.

Lợi cho biết em rất thích cuộc sống nội trú nền nếp của Trường THPT chuyên Quang Trung. Trường đòi hỏi ở HS tính kỷ luật và thái độ học tập khá nghiêm khắc. Các thầy hướng dẫn các môn khoa học tự nhiên là những người rất yêu nghề. Lợi đã được các thầy cô đưa đi gặp gỡ, học hỏi, giao lưu với HS giỏi ở các trường chuyên khác. Lợi nói: “Em thấy may mắn được rèn luyện ở đây. Cái gì mình yêu thích thì không thấy đó là áp lực nữa, việc học cũng vậy”.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi trao hoa và bằng khen cho em Nguyễn Văn Thành Lợi tại buổi lễ tuyên dương do Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước tổ chức. Ảnh: HT

Lợi rất mê các môn khoa học tự nhiên nên việc học của Lợi không cần ai nhắc nhở. Nhiều khi về thăm nhà, Lợi vẫn tranh thủ học khiến mẹ phải nhắc: “Học thì học cũng phải lo giữ sức khỏe!”. Năm 2017, Lợi đoạt giải HS giỏi vật lý quốc gia với số điểm khá cao, được tuyển vào đội tuyển đi thi Olympic Vật lý châu Á-Thái Bình Dương cùng năm. Tuy nhiên, kỳ thi Olympic 2017 Lợi đã không ghi “bàn thắng”. Lợi đã quyết tâm ôn luyện để quay lại kỳ thi năm 2018 và giành HCV danh giá.

Sau những giờ “cày” bài vở, Lợi rất mê thể thao. Lợi mê nhất môn bóng đá và hay chơi bóng ở vị trí hậu vệ. Bà Nguyễn Thị Thảo (45 tuổi, mẹ của Lợi) tự hào kể thêm: “Lợi chơi bóng bàn, cầu lông đều giỏi. Bơi lội thì giỏi lắm. Hồi cấp II, Lợi đi thi Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh đoạt giải rồi đấy. Lợi không phải là con mọt chỉ biết mỗi sách vở đâu”.

Trao quyền cho con và một ước mơ lớn

Ngày Lợi ra Hà Nội để ôn thi, bà cũng không mấy lo lắng vì: “Lợi nó đi xa nhà miết quen rồi. Tính nó tự lập sớm lắm. Từ năm lớp 6 đã đi học nội trú”. Nhà Lợi ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng, là một xã vùng sâu vùng xa của Bình Phước. Trường học cách nhà khá xa, trong khi cha mẹ của Lợi đều bận bịu việc cơ quan nên khi hai chị em Lợi lên cấp II là được gửi lên nhà dì ở thị xã Đồng Xoài trọ học. Đến cấp III thì cả hai chị em đều được vào học trường chuyên, ở nội trú luôn trong trường.

Tôi rất tự hào vì một người con ưu tú của mảnh đất Bình Phước đã vượt qua mọi khó khăn bước lên bục cao kỳ thi Olympic Vật lý khu vực châu Á. Chúc em Nguyễn Văn Thành Lợi tự tin và giành kết quả tốt tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.

Ông NGUYỄN VĂN LỢIBí thư Tỉnh ủy Bình Phước 

Bà Thảo bày tỏ: “Các con tôi học hành rất tự giác. Chúng tôi chưa bao giờ gây áp lực buộc các con phải học giỏi cho bằng con người ta. Nhiều lúc tôi phải nhắc con đừng cố học quá mà ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy mà Lợi lại động viên ngược lại tôi rằng “Con tự lo được mà, mẹ cứ hay lo””.

Mẹ Lợi cho biết cách bà dạy dỗ các con là khích lệ sự tự giác và trao quyền quyết định cho con, cho con thấy mình rất tin tưởng con. Được cư xử như những người lớn nên các con cũng trưởng thành rất nhanh để đáp ứng niềm tin yêu của cha mẹ. Chị em Lợi tự quyết định việc chọn trường, tự sắp xếp mọi việc trong cuộc sống. Bà Thảo kể: “Lợi rất người lớn. Mỗi khi nhận được học bổng, phần thưởng, Lợi hay mua quà biếu cha mẹ và ông bà nội. Tôi rất mừng khi con chững chạc và tự lập”.

Người gây ảnh hưởng mạnh nhất đến Lợi trong việc học tập lại chính là chị gái. Chị gái lớn hơn Lợi hai tuổi, đang học ĐH Y Dược TP.HCM. Lợi kể: “Chị em là HS giỏi quốc gia môn hóa. Hai chị em đã hứa với nhau là học xong sẽ tìm đường về lại Bình Phước, làm rạng danh Bình Phước. Chị em sẽ làm bác sĩ, em sẽ kinh doanh trong ngành kỹ thuật. Em không thích nơi nào hơn Bình Phước quê em”.

Chiếc HCV đã mở cánh cửa cho Lợi đến những quốc gia khác tiếp tục học ở bậc ĐH. Lợi đang rèn luyện Anh văn để làm hồ sơ xin học bổng du học tại Singapore. Lợi nói mình chọn Singapore vì Lợi thích văn hóa châu Á hơn các nước phương Tây.

Nhà Lợi không khá giả, mẹ Lợi là giáo viên tiểu học, cha là chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện. Lợi đã luôn mơ ước được bước ra thế giới, đi nhiều nơi để mở mang tầm mắt. Vì vậy, chinh phục những giải thưởng là con đường giúp Lợi có thể làm được điều đó.

Những tấm huy chương vàng rất xứng đáng!

Phải nhìn nhận công bằng rằng chúng ta có những HS rất có năng khiếu và rất giỏi. Tấm HCV các em đoạt được là rất xứng đáng. Tôi đã được tiếp xúc lứa HS giỏi quốc tế từ năm 1979 như Lê Bá Khánh Trình cho đến nay, phải nói các em rất giỏi. Trong thể thao còn có yếu tố may mắn chứ trong các kỳ thi Olympic HS giỏi gần như không có yếu tố này. Việc khen thưởng, tôn vinh là xứng đáng.

Là một người đào tạo, tôi cám ơn những em đã góp phần đóng góp cho đất nước bằng cách này hay cách khác. Có em từng đoạt HCV Olympic quốc tế, dù chỉ học ở khoa tôi một năm học rồi đi du học nhưng em vẫn quay về tham gia giảng dạy, truyền lửa cho sinh viên khi có điều kiện.

TS NGUYỄN VIẾT ĐÔNGTrưởng khoa Toán-Tin,
ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm