Với bóng đá trẻ của Nhật thì các em được khuyến khích cứ chơi thoải mái, nhằm phát huy hết những tố chất, phẩm chất hay của mình nhưng bóng đá trẻ của Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan thì ngược lại.
Hãy nhìn trận chung kết U-15 Đông Nam Á giữa chủ nhà Thái Lan và Malaysia đêm 9-8 tại Chonburi. Hai đội lao vào choảng nhau. Khi Malaysia ngược dòng dẫn 2-1 trận đấu chỉ còn ít phút nữa, Malaysia đưa bóng ra góc sân thì các cầu thủ Thái Lan nóng mặt lao vào “chém chân” và tiếp theo là một cuộc ẩu đả xảy ra khủng khiếp. Nhìn những gương mặt trẻ lao vào nhau, choảng nhau như xã hội đen chứ không phải sân bóng đá trẻ.
Vẫn biết rằng có nhiều em của hai đội cố nỗ lực can ngăn các bạn nhưng không ngăn được những cái đầu nóng lao vào nhau ăn thua đủ làm loạn sân bóng.
Cầu thủ U-15 Thái Lan đánh cầu thủ U-15 Malaysia, hình ảnh xấu hổ trong làng bóng Đông Nam Á bệnh thành tích. Ảnh: CTV
Tại King’s Cup, cầu thủ Thái Lan chỉ chăm chăm đá cầu thủ Việt Nam. Ảnh: CTV
Lỗi tại ai gây nên những cái đầu nóng?
Lỗi của người lớn, quá cay cú ăn thua, quá áp lực bệnh thành tích nên áp lực truyền vào các em khiến các em quên cả tinh thần thể thao và thể hiện những hành động bạo lực đấm đá như côn đồ.
Nhìn bóng đá trẻ tại sân chơi Đông Nam Á lại nhớ đến cách giáo dục của bóng đá trẻ Nhật. Không phủ nhận về chuyên môn, các đội U-15, U-16 Đông Nam Á chơi ngang ngửa với các đội cùng tuổi đến từ Nhật. Tuy nhiên, điểm khác biệt rất lớn là những em nhỏ được đào tạo trong môi trường bóng đá Nhật luôn được khuyến khích thể hiện thoải mái những kỹ năng chơi bóng của mình và không chịu áp lực thành tích từ người lớn. Với tiêu chí đó, nếu vô địch hay thua đối với những người thầy “gõ đầu trẻ” đều không quan trọng. Mà cái chính ở đây là cách thể hiện và đạo đức thể thao được hình thành ở lứa tuổi các em. Điều mà bóng đá Nhật rất quan tâm.
Bằng chứng là đã có những ông thầy Nhật đến dạy bóng đá trẻ ở Việt Nam họ rất chú trọng đến kỹ năng sống của các em hay kỹ năng và ứng xử trên sân gắn với đời sống xã hội.
Cứ xem các giải quốc tế của Nhật dành cho những lứa U-13, U-15, U-16… Đa số những giải đấy ít khi nào thấy sự vượt trội hay láu lỉnh về chuyên môn của các cầu thủ trẻ Nhật nhưng trong giáo dục bóng đá, người Nhật không quan tâm điều đó. Cái chính là các em được thể hiện năng lực, trong đó tâm lý được chú trọng thông qua hình thành những phẩm chất đẹp trong thể thao.
Người Nhật làm bóng đá xác nhận thể thao đối kháng tất nhiên phải có ăn thua, có thành tích… nhưng họ không áp sự cay cú cùng áp lực thành tích vào lứa tuổi cần giáo dục và cần kỹ năng ứng xử trên sân cỏ.
Đông Nam Á cứ luẩn quẩn trong cái vòng thành tích nóng và cũng nên nhìn xem cách giáo dục của bóng đá Nhật với thế hệ trẻ.
Bóng đá Thái Lan đang có chiều hướng bạo lực Xâu chuỗi các sự cố của bóng đá Thái Lan cấp độ các đội tuyển thời gian qua thật đáng báo động: • U-23 Thái Lan thua U-23 Việt Nam 0-4 ở vòng loại châu Á, trong đó Suphachai dùng “đòn boxing” đánh Đình Trọng dẫn đến thẻ đỏ. • Cúp Merlion của Singapore, U-22 Thái Lan đá chung kết đầy bạo lực với Singapore. Các cầu thủ Singapore rất lành nhưng các cầu thủ Thái đá kiểu “chém đinh chặt sắt”, những pha vào bóng đầy hận thù liên tục đốn ngã các cầu thủ Singapore. Trận đấu đó U-22 Thái Lan bị tai tiếng lớn. • King’s Cup 2019, những pha bóng triệt hạ của các cầu thủ Thái Lan với cầu thủ Việt Nam bị báo chí khu vực và cả báo chí Thái Lan lên án. • U-15 Thái Lan cay cú và hung bạo ở trận chung kết U-15 Đông Nam Á trước cầu thủ U-15 Malaysia được xem là vết nhơ trong làng bóng trẻ nước này. Không biết họ có hổ thẹn không khi giải fair play của giải trên được trao cho các cầu thủ U-15 Việt Nam. |