Lịch sử đấu tranh chống IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) sẽ ghi lại sự kiện IS tấn công Iran ngày 7-6 như một cột mốc quan trọng đối với Trung Đông. Hai mục tiêu bị tấn công gồm tòa nhà Quốc hội và lăng giáo chủ Ruhollah Khomeini ở thủ đô Tehran, hai biểu tượng di sản quan trọng của Iran.
Vì sao đến lượt Iran?
Iran theo xu hướng Hồi giáo từ thế kỷ 7 và theo dòng Hồi giáo Shiite từ thế kỷ 16. Hơn 30 năm qua thủ đô Tehran chưa từng bị lực lượng có yếu tố nước ngoài tấn công.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Iran trở thành mục tiêu của IS (dòng Sunni) cho dù dòng Shiite chiếm ưu thế tại Iran (90% dân số Iran). Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên xuất hiện trước đó gần ba tháng.
Ngày 27-3, IS phát tán trên mạng xã hội một đoạn băng video dài 36 phút bằng tiếng Farsi (tiếng Iran) với hình ảnh nhiều binh sĩ theo dòng Shiite bị cắt cổ. Trong băng, IS đe dọa Iran và giáo chủ Ali Khamenei và buộc tội Iran đã bức hại người Hồi giáo Sunni từ nhiều thế kỷ qua. IS khẳng định sẽ đánh chiếm Iran để biến Iran trở thành nhà nước Hồi giáo dòng Sunni.
Tại Trung Đông, Iran đang trong vị thế trên đe dưới búa. Ngoài mối đe dọa IS, Iran còn bị Saudi Arabia gọi là “lá cờ đầu của chủ nghĩa khủng bố”. Trong chuyến công du Trung Đông hồi tháng 5-2017, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Iran “ủng hộ bọn khủng bố” và xếp Iran “chung xuồng” với IS cùng với Al Qaeda.
Trong khi đó, từ năm 2014 Iran đã tích cực hậu thuẫn cho Iraq và Syria chống IS, kẻ thù của Mỹ. Đến cuối năm ngoái, có 10.000-15.000 quân Iran chiến đấu trên lãnh thổ Syria. Iran đã đưa máy bay tấn công IS ở Iraq và điều động vài trăm dân quân đóng quân tại biên giới hai nước. Không ít lần Iran cũng đã tuyên bố cảnh báo nguy cơ IS. Trong khu vực, Iran là nước duy nhất đưa quân đội đánh IS.
Tổng thống Trump đến Saudi Arabia ngày 21-5 và đã chỉ trích Iran hết lời. Biếm họa của Marian Kamensky ở Áo.
Bảo thủ đối đầu với ôn hòa
TS Thierry Coville ở Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) đánh giá sau hai vụ tấn công hôm 7-6 sẽ xảy ra đối đầu giữa phe bảo thủ và phe ôn hòa trong nội bộ Iran.
Phe bảo thủ vừa thất bại trong bầu cử tổng thống Iran hôm 19-5 (Tổng thống Hassan Rouhani theo xu hướng cải cách đắc cử) luôn cho rằng Mỹ và Saudi Arabia “thao túng” IS, bởi vậy sẽ vin vào hai vụ tấn công để tăng sức ép buộc Tổng thống Rouhani phải cứng rắn hơn đối với phương Tây.
Trong quá trình tranh cử, Tổng thống Rouhani đã hứa sẽ thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp cấm vận còn lại đối với kinh tế Iran. Thế nhưng Mỹ chính là nước ban bố cấm vận, vì vậy muốn bỏ cấm vận Iran ắt phải đàm phán trực tiếp với Mỹ.
Qua hai vụ tấn công ở Iran, ý đồ của IS là xúi giục làm gia tăng căng thẳng giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni chiếm thiểu số tại Iran.
Từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, xã hội Iran tiếp bước trên xu thế hiện đại hóa. Hầu hết cộng đồng thiểu số về sắc tộc và tôn giáo đã bỏ phiếu bầu cho Tổng thống Rouhani vì ông ủng hộ tăng quyền lợi chính trị và văn hóa cho họ (ví dụ học sinh vùng Kurdistan ở Iran đã được học tiếng Kurd từ năm 2015).
Phe bảo thủ có thể sẽ trúng kế IS khi kêu gọi tăng cường cảnh giác đối với một bộ phận dân chúng theo dòng Hồi giáo Sunni.
Trump, Saudi Arabia và Iran
Hai vụ tấn công xảy ra ở Iran hôm 7-6 cũng có thể làm thay đổi Trung Đông nói chung và quan hệ Iran-Saudi Arabia nói riêng vì xảy ra trong bối cảnh đặc biệt. Saudi Arabia và các nước láng giềng vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tổng thống Trump mới chỉ trích Iran nặng nề và Tổng thống Iran Rouhani vừa tái đắc cử.
Tại Trung Đông lâu nay tồn tại hai xung đột lớn. Ngoài mối đe dọa từ IS và Al Qaeda còn có cuộc đối đầu chiếm ưu thế giữa Iran và Saudi Arabia. Nước này luôn cho rằng nước kia đe dọa.
Iran khẳng định Saudi Arabia đã huấn luyện và hậu thuẫn cho các nhóm khủng bố dòng Sunni như IS và Al Qaeda nhằm lật đổ chính quyền ở Syria và Iraq để làm suy yếu Iran. Saudi Arabia nghĩ rằng Trung Đông đang rơi dần vào tay Iran, vì thế đã phát động chiến tranh ở Yemen đánh lực lượng Houthis dù Iran yểm trợ cho nhóm này rất hạn chế.
Trong bối cảnh đó, sai lầm chiến lược lớn nhất của Tổng thống Trump là đánh đồng nguy cơ từ tổ chức khủng bố IS với một quốc gia hiện đại bác bỏ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo như Iran. Ông đã tước đi mọi hành động cộng tác của Iran trong cuộc chiến chống IS. Thái độ o bế Saudi Arabia của ông Trump có thể khuyến khích các thế lực cực đoan ủng hộ bạo lực trỗi dậy.
Vấn đề sắp tới là Iran sẽ phải cảnh giác hơn với Mỹ và Saudi Arabia như phe bảo thủ mong muốn hay tiếp tục xích lại gần Mỹ để sẵn sàng thương lượng vì lợi ích của Iran.
Năm kẻ tấn công, 17 người chết Sáng 7-6, ba tay súng IS ăn mặc giả phụ nữ xâm nhập tòa nhà Quốc hội Iran. Gần như cùng lúc đó, hai đồng bọn đã đột kích lăng mộ giáo chủ Khomeini ở Tehran cách đó 20 km. Sau năm tiếng giao tranh, hai toán tấn công bị tiêu diệt. Ba tên đánh bom liều chết trong hai vụ tấn công. Tổng cộng có 17 người chết và 35 người bị thương. Bộ An ninh Iran thông báo năm phần tử IS là công dân Iran đã từng gây tội ác ở Mosul và Raqqa. Chúng trở về nước lần đầu vào mùa hè năm 2016 do tên Abu Aisha chỉ huy với ý đồ tổ chức tấn công khủng bố. Chúng đã rời Iran sau khi Abu Aisha bị tiêu diệt, sau đó quay trở lại tấn công hôm 7-6. |