Đó là trận để đời của những Quốc Cường (bàn mở tỉ số bằng gót cực đẹp), Hồng Sơn (có lúc bị 4-5 cầu thủ Indonesia vây và chặt chém nhưng Sơn vẫn qua rất ngọt)… Gần cuối trận thì Sơn phải rời sân trên cáng và nhận HCĐ trên đôi nạng vì cú bỏ bóng đạp thẳng vào gối của gã“đao phủ” Tekuda có cái đầu đen bóng.
Bảy năm trước, cũng trên cái sân Kallang đấy, bộ ba Tấn Tài - Công Vinh - Nguyễn Quang Hải chỉ sau vài cú chạm đã đưa bóng từ khu 16,5 m cầu môn nhà sang sát vạch 5,5 m Singapore và kết liễu chủ nhà. Một bàn thắng hội tụ những yếu tố tốc độ, kỹ thuật và sự tinh tế trong từng cái chạm bóng. Pha bóng đấy hoàn hảo đến độ báo Singapore hôm sau phải bỏ một trang ra để vẽ lại sơ đồ bàn thắng và phân tích vì sao đội nhà thua.
Chiều qua thì Kallang ngày nào đã trở thành sân quốc gia hoành tráng và hiện đại nhưng tìm mãi nơi một đội bóng trên cơ vẫn không thấy ai nhảy múa như quái kiệt Hồng Sơn ngày nào. Cũng không tìm thấy kiểu ra đòn mà ba cầu thủ canh mũi giày Huỳnh Quốc Cường nhưng đều hớ hàng bởi cái chạm gót tinh tế của cầu thủ Đồng Tháp này.
Sẽ còn nhiều phân tích về một trận thua mà ta làm chủ tất cả nhưng quá đen ở khâu kết thúc. Cũng không ít người tiếc cho Công Phượng có quá ít pha đột phá hoặc thiếu cả tự tin khi sút cầu môn. Trách Phượng sao được khi bị nhốt trên ghế dự bị quá lâu hoặc được ra sân chính thức thì có lúc lại bắt đá tiền vệ trụ. Thế nên Công Phượng không thể tái lập hình ảnh của Hồng Sơn ngày nào. Càng không thể kết hợp với các đồng đội ghi bàn
theo kiểu “quá nhanh, quá nguy hiểm” như Quang Hải chỉ cần 15 phút ra sân là đủ.
Và nước mắt lại tiếp tục rơi sau một trận mà cả cầu thủ lẫn người hâm mộ đều trách móc vì sao Thượng đế lại ưu ái quá nhiều cho một đội yếu và lấy đi của Việt Nam một trận chung kết.