Thời HLV Miura, ông thầy người Nhật rất chú trọng vào nền tảng thể lực. Điều mà ông vẫn than phiền là ở CLB các tuyển thủ không được đầu tư đúng và đủ nên lên đội tuyển họ buộc phải được nhồi thêm. Và đúng là thời của HLV Miura chưa bao giờ cầu thủ Việt Nam thua các đối thủ về mặt thể lực.
Nhiều người vẫn trách cứ ông Miura làm cầu thủ khô cứng và không biết đá đẹp. Thực chất thì thời Miura chưa chắc cầu thủ đã đá “xấu” hơn thời A. Riedl, Calisto hay Goetz. Chỉ có điều là thời ông Miura, người hâm mộ và giới chuyên môn đã chịu ảnh hưởng không ít bởi lứa cầu thủ của bầu Đức và việc ông Miura bị lên án phần lớn là vì chưa chịu sử dụng lứa cầu thủ này. Cũng có thể nói là triết lý của HLV Miura chưa phù hợp với kiểu đá nhỏ, kỹ thuật và ít va chạm mà đám trẻ nhà bầu Đức chưa thích nghi. Từ đó ông bị “đánh” là chưa biết dùng người.
Xét về tỉ lệ thành công (thắng, hòa, thua) trong các trận đối đầu của đội tuyển thì ông Miura có chỉ số rất cao và cao hơn hẳn hai HLV lâu năm là A. Riedl và Calisto. Nhưng ông Miura mất việc vì cách dùng người, trong đó ông phải chống lại những người thích đá đẹp và chống cả ông bầu có chân trong VFF.
Đấy đã là chuyện của quá khứ và việc HLV Hữu Thắng tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng được ủng hộ nhiều từ VFF đến dư luận và sang đến các cầu thủ. Tất nhiên, khi ngồi vào ghế nóng thì điều đầu tiên mà HLV Hữu Thắng làm là không đi vào vết xe đổ của HLV Miura.
Nói HLV Hữu Thắng có triết lý mới cũng đúng mà nói HLV này chọn phương án làm hợp lòng nhiều người, trong đó có người tiến cử HLV Hữu Thắng cũng không sai. Tuy nhiên, cũng cần phải gìn giữ những sản phẩm làm tốt cho đội tuyển của ông Miura và phát huy thêm.
Hy vọng HLV Hữu Thắng biết giữ cái gì và bỏ cái gì, thay vì cứ theo dư luận nên xóa sạch tất cả, trong đó có cả cái tốt của ông Miura.